Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Giáo dục Steiner

 Tác giả: Mia Cat


Có rất nhiều anh chị hỏi mình “Tại sao lại cho Nếp vào Steiner? Ngoài việc cho con tự do trải nghiệm, Steiner có những điểm tốt gì và “tiêu chuẩn đầu ra” của trường là gì? Tại sao không đưa con vào một môi trường áp lực như trường công lập, quốc tế để con “chịu khổ” sau này ra đời cho quen?…”

Đoạn đó mình không trả lời, vì để đưa ra một luận điểm bảo vệ thì chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian và cả sự thấu hiểu. Bạn không thể khiến một người đồng ý quan điểm của bạn nếu người ta “từ chối hiểu”.

Có cả những anh chị phụ huynh đồng hành cùng mẫu giáo Steiner (cùng trường mẫu giáo với con mình) thì vẫn rất ngần ngại trước việc đưa con vào Steiner Tiểu học. Ba cấp Steiner (từ 7-18 tuổi) là một hành trình dài hơi và khó khăn hơn giai đoạn mẫu giáo rất nhiều. Thế nên nếu chỉ vì sự “thoải mái và tự do” của con, chắc hẳn không phải ai cũng liều lĩnh dấn bước. Và vì không thể đánh cược tương lai con trẻ - vốn đã là một thứ bất định – vào một hệ thống quá non trẻ so với công lập như Steiner ở Việt Nam, nên đa số phụ huynh sẽ “quay xe” trước phương pháp giáo dục mang tính thời đại này. Dù sao thì một thứ bất định nên được đưa vào một môi trường an toàn để giữ sự ổn định cho phụ huynh. Tất cả lý do chỉ làm to mục đích này.

Ok, quay lại với luận điểm của bản thân, tại sao mình chọn cho Nếp tiếp tục học Steiner 3 cấp. Mọi người nhìn hình dưới nhé. Hình vẽ miêu tả quá trình phát triển tự nhiên của con trẻ trong 3 giai đoạn:

- từ 0-7 tuổi : phát triển Ý CHÍ thông qua các hoạt động phát triển thể chất. Trẻ lúc này sẽ hấp thụ toan bộ năng lượng xung quanh để từ đó định hình nên cái hiểu về bản thân mình. Đó là lý do trẻ luôn bắt chước tất cả những người sống xung quanh. Con không thể phân biệt được hành động đó là tốt hay xấu, con chỉ đơn thuần là copy và paste. Giai đoạn này con cũng học cách “sử dụng” cơ thể VẬT LÝ của con như tập bò, ngồi, đứng, đi, chạy… cho đến các hoạt động sử dụng 5 giác quan, đặc biệt là giác quan xúc chạm. Vận động tinh của con cũng dần được sử dụng và hoàn thiện cho đến năm 7 tuổi.

Tại sao lại là Ý CHÍ? Nếu tin rằng đứa trẻ là một thực thể tâm linh thì Ý CHÍ chính là nguồn lực đầu tiên thúc đẩy năng lượng của linh hồn từ từ thích nghi với “ngôi nhà” cơ thể mà linh hồn mới đáp xuống. Có lẽ chúng ta đã hoàn toàn quên mất điều đó, nhưng với linh hồn tự do thì việc bị bó chặt vào một thể xác đậm đặc thật sự là rất khó khăn. Và vì lẽ đó đứa trẻ cần ngủ rất nhiều. Linh hồn cần nhiều thời gian để từng chút một làm quen với ngôi nhà mới, và mỗi giấc ngủ của con sẽ như một giờ giải lao cho Linh Hồn được tự do “bay" khỏi khuôn khổ giới hạn xác thân….

Và sau đó, Ý CHÍ cũng là thứ giúp con đứng lên, bước đi trên đôi chân bé nhỏ run rẩy dù cho có hàng trăm lần té ngã. Nếu không là Ý CHÍ thì không có nguồn lực nào có thể đủ sức nâng con dậy.

Giai đoạn này những môi trường khuyến khích ý chí của con được tự do phát triển và không dùng sức mạnh của người lớn để “đè bẹp” bằng những nỗi sợ thật sự quan trọng. Tất nhiên vì yêu con nên chúng ta luôn có những nỗi sợ vô hình vây quanh: sợ dơ, sợ vi khuẩn, sợ con đau, sợ đủ thứ… Mầm non steiner vượt trội hơn ở điểm nào thì mình sẽ không bàn trong bài này, nhưng hiểu là từ 0-7 tuổi nếu mọi chuyện tốt đẹp thì ý chí con không bị đè bẹp lép và như vậy đối với trẻ tương đối sẵn sàng bước vào giai đoạn từ 7-14 tuổi – giai đoạn phát triển tình cảm.

- 7-14 tuổi: Cơ thể tình cảm của con bắt đầu được …sinh ra. Nói như vậy không có nghĩa trước đó con không có tình cảm, nhưng thể tình cảm của con (đang được hoài thai) hoàn toàn bị phụ thuộc vào người lớn xung quanh, nghĩa là con chưa có những tình cảm riêng biệt, chưa có định nghĩa và cũng chưa sử dụng cơ thể tình cảm một cách ý thức. trước 7 tuổi, đứa trẻ dễ vui và dễ khóc (chứ không dễ buồn vì chẳng có gì để con buồn trừ việc khóc khi không đạt được thứ gì đó mà Ý CHÍ muốn). Còn khi con đã 7 tuổi, khiến con vui lên bằng 1 cây kẹo mút thì chỉ chứng tỏ phụ huynh quá là trẻ con.

Giai đoạn này cũng là yếu tố chính mình muốn nói tới trong bài và cũng là nguyên do cốt lõi tại sao mình chọn giáo dục Steiner:

Giáo dục Steiner dung dưỡng cơ thể tình cảm cho con.

Chắc chắn 100% mọi người đọc bài này sẽ đồng ý với mình là việc giáo dục hiện này (cả ở công lập và tư thục) đều đang khá nặng kiến thức. Học chính khóa, học thêm, học kỹ năng, học thể chất, học văn thể mĩ… Chương trình giáo dục thì thay đổi liên tục với lượng kiến thức lớp 2 bây giờ bằng .. lớp 5 thời mình. Nghĩa là vào giai đoạn cơ thể tình cảm của một đứa trẻ đang được sinh ra thì người lớn lại chỉ chú tâm nhồi “thức ăn” vào trí tuệ. Và kể cả khi trường không cần chạy đua thành tích thì phụ huynh cũng tự… nhìn nhau để mà đua cho con mình đi học, kể cả khi phụ huynh không nhìn nhau thì con trẻ nó sẽ bị áp lực đồng trang lứa tiêu cực đẩy đi.

Hậu quả lâu dài của việc cơ thể tình cảm bị bỏ rơi đó là gì? Là một thế hệ thiếu đi sự thấu hiểu bản thân đồng thời cũng thiếu luôn sự cảm thông cho người khác. Hoặc dễ thấy hơn là các bé mắc chứng t.ự k.ỷ hay t.r.ầ.m c.ả.m ngày một gia tăng.

Ok, có thể may mắn nó không rơi vào con của anh chị lúc này. Nhưng điều đó không có nghĩa là thể tình cảm của bé được an ổn và cũng không có nghĩa không bệnh tật tức là thể tình cảm khỏe mạnh.

Và đó là lý do mình chọn tiếp tục phương pháp giáo dục Steiner ở cấp cao hơn cho con.

Nghĩa là sao? Nghĩa là môi trường ấy quan tâm tới cảm xúc của con.

Các anh chị khi mới nhìn vào sẽ thấy học Steiner vui vẻ quá, thoải mái quá, suốt ngày chỉ lên học chữ qua hình vẽ, hát vè, thơ ca, con số thì học qua câu chuyện và bài hát, lớp 1 rồi mà còn chưa biết viết, còn đang học từng nguyên âm phụ âm bằng câu chuyện…

Thưa rằng, không phải con đang đi chậm, mà con đang đi đúng tốc độ của sự phát triển tự nhiên. Cũng giống như thời chúng ta vậy, vào lớp 1 mới đc học chữ, học viết chứ ít ai đã vào lớp 1 mà đọc viết ro ro. Đó là lý do mình khẳng định với mọi người, thời đại của chúng ta “lành mạnh” hơn bây giờ rất nhiều.

Và tại sao giáo dục steiner cần nhiều thơ ca đến vậy? vì ông Steiner ông biết “thức ăn” của thể tình cảm chính là sự đẹp đẽ, bay bổng và tưởng tượng trong thi ca. Tình cảm chính là thể biểu hiện của trực giác hay trí trừu tượng (và vấn đề này mình khó có thể bàn sâu ở đây) nên để phát triển thể tình cảm suốt từ 7-14 tuổi thì việc giữ cho trẻ luôn được bay bổng trong trí óc. Còn khi đã dạy trẻ quá nhiều lý thuyết chính là chú tâm phát triển trí tuệ logic và một khi đã phát triển sự logic thì không còn cơ hội quay lại cho sự tưởng tượng phát triển nữa (vì cái chúng ta nghĩ là tưởng tượng thật ra nó vẫn đang rất logic trên nền kiến thức nào đó, bằng không chúng ta sẽ thấy tưởng tượng này thật... vô lý).

Một điều quan trọng nữa là khi bỏ qua giai đoạn phát triển tình cảm của trẻ mà đi thẳng vào giai đạo phát triển trí tuệ (điều mà chỉ nên chú tâm từ 14-21 tuổi) thì trẻ sẽ vô tình chỉ được nuôi dưỡng Ý CHÍ và TRÍ TUỆ mà mất đi sự cân bằng với yếu tố TÌNH YÊU THƯƠNG. Điều này sẽ dẫn tới một thế hệ chỉ biết dùng TRÍ TUỆ để phục vụ cho Ý CHÍ (mà lúc này thật ra là tham muốn cá nhân ích kỷ) chứ không vì TÌNH YÊU THƯƠNG cho mọi người. TRÍ TUỆ khi thiếu đi TÌNH YÊU THƯƠNG mà chỉ vì Ý CHÍ ích kỷ chỉ 1 người thôi đã gây họa cho nhân loại rồi. Biết mình nói ai khum? Adoft Hiftler đó ạ.

Và cuối cùng, không có môi trường nào hoàn hảo, nếu như con học Steiner mà về nhà cha mẹ không ấm êm thì chắc chắn thể tình cảm của con cũng sang chấn. Mình chỉ đang chia sẻ về luận điểm chọn trường cho con theo góc hiểu cá nhân. Còn dễ hiểu là con đi học con thấy vui, 8h tối tắt đèn đi ngủ là tình cảm mẹ con không sứt mẻ rồi 🤣🤣

Dung dưỡng cho con một ý chí mạnh mẽ, một thể tình cảm tròn đầy và tương lai là minh triết đúng nghĩa là đủ hành trang cho con vào đời “chịu khổ” rồi hehehe.  




Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024

La bàn cho năm mới

 Nguồn: Mạng lưới tròn lành

Kết nối với chính mình

La bàn cho năm mới

Một bộ câu hỏi giúp bạn suy ngẫm về năm vừa qua và lập kế hoạch cho năm tiếp theo

👫 Số lượng tham gia:

Làm một mình hoặc làm theo nhóm

🎚️ Độ khó:

Vừa phải

⏳ Tổng thời lượng:

Từ 2 tiếng trở lên hoặc nửa ngày

🧳 Cần chuẩn bị:

Sổ tay La bàn Năm Mới (mỗi người 1 quyển), bút (mỗi người 1 cái), sự thành thật, sự cởi mở

🌱 Kỹ năng/Giá trị nuôi dưỡng:

Căn chỉnh theo chu kỳ, Sự quyết đoán, Sự ăn mừng, Sự cam kết, Sự nở rộ và phát triển, Đặt mục tiêu, Lòng biết ơn, Đặt ý định, Lên kế hoạch, Nghi thức hóa

📍Giới thiệu hoạt động

“La bàn cho năm mới” là một cuốn sổ tay giúp bạn nhìn lại năm vừa qua và lập kế hoạch cho năm sắp tới. Việc dành thời gian để chiêm nghiệm về năm vừa qua sẽ giúp bạn nhận thức được cả những thành công và nỗi buồn của mình, đồng thời giúp bạn nhận ra bao nhiêu điều có thể xảy ra chỉ trong vòng một năm. Chúng ta thường rất nhanh quên đi những gì xảy đến với mình. Bằng cách học hỏi từ quá khứ, bạn có thể lập kế hoạch cho tương lai bằng cách đặt ra những mục tiêu và ý định rõ ràng để không lặp lại những khuôn mẫu cũ, làm chủ tốt hơn trong công việc và cuộc sống của mình.

Bài tập này có thể được làm một mình hoặc làm theo nhóm. Nếu bạn làm một mình, mời bạn dành ít nhất 4-5 giờ không bị gián đoạn (3 giờ để nhìn lại và 1,5 giờ để lập kế hoạch cho tương lai). Nếu bạn làm theo nhóm, hãy tập hợp tối thiểu 2 người - tối đa 20 người và dành ít nhất 4,5 giờ để thực hành.

🎯Các bước thực hiện

Bước 1 – Xem lại lịch năm vừa qua (15’)

Xem lại từng tuần trong lịch của bạn xuyên suốt năm vừa qua. Viết xuống những sự kiện quan trọng, các buổi tụ họp với bạn bè hoặc gia đình hoặc những nhiệm vụ lớn lao bạn bắt gặp trong lịch năm.

Bước 2 – Đây là năm vừa qua của tôi (30’)

Trong các khía cạnh sau, cái nào quan trọng nhất đối với bạn trong năm vừa qua? Những sự kiện - sự việc nào là quan trọng nhất? Hãy tóm tắt ngắn gọn vào sổ tay.

  1. Cuộc sống cá nhân và gia đình
  2. Công việc, học tập, nghề nghiệp
  3. Đồ đạc (nhà cửa, đồ vật)
  4. Thư giãn, sở thích, sáng tạo
  5. Bạn bè, cộng đồng
  6. Sức khỏe, rèn luyện thân thể
  7. Trí tuệ
  8. Cảm xúc, tinh thần
  9. Tài chính
  10. Danh sách những điều mong muốn (Bucket List)

Bước 3 – Sáu câu nói về năm vừa qua của tôi (15’)

  1. Quyết định sáng suốt nhất mà tôi đã đưa ra…
  2. Bài học lớn nhất mà tôi đã học được…
  3. Rủi ro lớn nhất mà tôi đã nhận lấy…
  4. Bất ngờ lớn nhất trong năm…
  5. Điều quan trọng nhất mà tôi đã làm cho người khác…
  6. Điều lớn nhất mà tôi đã hoàn thành…

Bước 4 – Sáu câu hỏi về năm qua của tôi (15’)

  1. Bạn tự hào nhất về điều gì?
  2. Ba người đã ảnh hưởng nhiều nhất đến bạn là ai?
  3. Ba người nào mà bạn có ảnh hưởng nhiều nhất đến họ là ai?
  4. Bạn đã không thể hoàn thành điều gì?
  5. Điều tuyệt vời nhất mà bạn đã khám phá ra về bản thân là gì?
  6. Bạn biết ơn nhất điều gì?

Bước 5 – Những khoảnh khắc tuyệt vời nhất (15’)

Mô tả những khoảnh khắc tuyệt vời nhất, đáng nhớ nhất, vui vẻ nhất trong năm vừa qua và vẽ ra giấy. Bạn cảm thấy thế nào? Ai đã ở đó cùng bạn? Bạn đã làm gì? Bạn nhớ được những mùi hương, âm thanh hoặc hương vị nào?

Bước 6 – Ba trong số những thành tựu lớn nhất của tôi (15’)

  1. Liệt kê ba thành tựu lớn nhất của bạn trong năm vừa qua.
  2. Bạn đã làm gì để đạt được những thành tựu này?
  3. Ai đã giúp bạn đạt được những thành tựu này? Bằng cách nào?

Bước 7 – Ba trong số những thách thức lớn nhất của tôi (15’)

  1. Liệt kê ba thách thức lớn nhất của bạn trong năm vừa qua.
  2. Ai hoặc điều gì đã giúp bạn vượt qua những thách thức này?
  3. Bạn đã học được điều gì về bản thân mình khi vượt qua những thách thức này?

Bước 8 – Sự tha thứ (15’)

Liệu có điều gì đã xảy ra trong năm vừa qua mà bạn cảm cần được tha thứ? Những hành động hoặc lời nói từ người khác hoặc tự chính bạn khiến bạn cảm thấy khó chịu, tức giận và tồi tệ? Viết những điều này ra giấy, và thực hành tha thứ nếu nó giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Bước 9 – Buông bỏ (15’)

Bạn còn cần nói điều gì nữa không? Bạn còn cần buông bỏ điều gì trước khi có thể bắt đầu năm mới không? Hãy vẽ hoặc viết xuống tất cả những điều còn lại, suy ngẫm thêm đến khi bạn thấy đủ và buông bỏ tất cả.

Bước 10 – Tóm tắt năm vừa qua (15’)

  1. Tóm tắt năm vừa qua trong ba từ: Chọn ba từ để định nghĩa năm vừa qua của bạn.
  2. Cuốn sách về năm vừa qua của tôi: Nếu năm vừa qua của bạn được viết thành sách, hãy chọn cho nó một chiếc tiêu đề.
  3. Tạm biệt năm vừa qua: Nếu còn điều gì khác mà bạn muốn viết ra, hoặc có bất kỳ ai mà bạn muốn tạm biệt, hãy làm điều đó ở bước này.

Bước 11 – Dám mơ lớn (15’)

Năm tới của bạn trông như thế nào? Vì sao năm tới sẽ rất tuyệt vời? Nếu hình dung về một thế giới lý tưởng thì điều gì sẽ xảy ra? Viết xuống, vẽ ra, buông bỏ kỳ vọng của bạn và dám mơ ước những điều lớn lao.

Bước 12 – Năm tới của tôi sẽ diễn ra như thế này (15’)

Dựa vào các gợi ý bên dưới, xác định những khía cạnh quan trọng nhất của năm tới. Những sự kiện nào sẽ quan trọng nhất trong năm này? Tóm tắt ngắn gọn vào sổ tay.

  1. Cuộc sống cá nhân và gia đình
  2. Công việc, học tập, nghề nghiệp
  3. Đồ đạc (nhà cửa, đồ vật)
  4. Thư giãn, sở thích, sáng tạo
  5. Bạn bè, cộng đồng
  6. Sức khỏe, rèn luyện thân thể
  7. Trí tuệ
  8. Cảm xúc, tinh thần
  9. Tài chính
  10. Danh sách những điều mong muốn (Bucket List)

Bước 13 – Bộ ba kỳ diệu cho năm tới (30’)

  1. Ba điều tôi sẽ yêu về bản thân mình.
  2. Ba điều tôi sẵn sàng từ bỏ.
  3. Ba điều tôi muốn đạt được nhất.
  4. Ba người sẽ là trụ cột của tôi trong những lúc khó khăn.
  5. Ba điều tôi sẽ dám khám phá.
  6. Ba điều tôi sẽ có khả năng để nói không.
  7. Ba điều tôi sẽ áp dụng để làm cho môi trường xung quanh mình trở nên ấm áp.
  8. Ba điều tôi sẽ làm mỗi sáng.
  9. Ba điều tôi sẽ thường xuyên dùng để chiều chuộng bản thân.
  10. Ba nơi tôi sẽ đến thăm.
  11. Ba cách tôi sẽ dùng để kết nối với những người thân yêu.
  12. Ba món quà tôi sẽ thưởng cho những thành công của mình.

Bước 14 – Sáu câu nói về năm tới của tôi (15’)

  1. Năm nay, tôi sẽ không trì hoãn nữa trong việc…
  2. Năm nay, tôi sẽ nhận được nhiều năng lượng nhất từ…
  3. Năm nay, tôi sẽ dũng cảm nhất khi…
  4. Năm nay, tôi sẽ nói lời đồng ý khi…
  5. Năm nay, tôi tự khuyên bản thân nên…
  6. Năm nay, sẽ rất đặc biệt đối với tôi vì…

Bước 15 – Tóm tắt năm tới (15’)

  1. Một từ cho năm tới: Chọn một từ để tượng trưng và định nghĩa năm tới. Bạn có thể xem lại từ này bất kỳ lúc nào cần thêm năng lượng hoặc cần được nhắc nhớ không từ bỏ ước mơ của mình.
  2. Mong ước thầm kín: Hãy giải phóng tâm trí mình, và viết xuống - Mong ước thầm kín của bạn cho năm tới là gì?

🧑💻Người dịch và tổng hợp

Phong

🌏 Nguồn tham khảo:

The Recipes for Well-being