Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Giáo dục Steiner

 Tác giả: Mia Cat


Có rất nhiều anh chị hỏi mình “Tại sao lại cho Nếp vào Steiner? Ngoài việc cho con tự do trải nghiệm, Steiner có những điểm tốt gì và “tiêu chuẩn đầu ra” của trường là gì? Tại sao không đưa con vào một môi trường áp lực như trường công lập, quốc tế để con “chịu khổ” sau này ra đời cho quen?…”

Đoạn đó mình không trả lời, vì để đưa ra một luận điểm bảo vệ thì chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian và cả sự thấu hiểu. Bạn không thể khiến một người đồng ý quan điểm của bạn nếu người ta “từ chối hiểu”.

Có cả những anh chị phụ huynh đồng hành cùng mẫu giáo Steiner (cùng trường mẫu giáo với con mình) thì vẫn rất ngần ngại trước việc đưa con vào Steiner Tiểu học. Ba cấp Steiner (từ 7-18 tuổi) là một hành trình dài hơi và khó khăn hơn giai đoạn mẫu giáo rất nhiều. Thế nên nếu chỉ vì sự “thoải mái và tự do” của con, chắc hẳn không phải ai cũng liều lĩnh dấn bước. Và vì không thể đánh cược tương lai con trẻ - vốn đã là một thứ bất định – vào một hệ thống quá non trẻ so với công lập như Steiner ở Việt Nam, nên đa số phụ huynh sẽ “quay xe” trước phương pháp giáo dục mang tính thời đại này. Dù sao thì một thứ bất định nên được đưa vào một môi trường an toàn để giữ sự ổn định cho phụ huynh. Tất cả lý do chỉ làm to mục đích này.

Ok, quay lại với luận điểm của bản thân, tại sao mình chọn cho Nếp tiếp tục học Steiner 3 cấp. Mọi người nhìn hình dưới nhé. Hình vẽ miêu tả quá trình phát triển tự nhiên của con trẻ trong 3 giai đoạn:

- từ 0-7 tuổi : phát triển Ý CHÍ thông qua các hoạt động phát triển thể chất. Trẻ lúc này sẽ hấp thụ toan bộ năng lượng xung quanh để từ đó định hình nên cái hiểu về bản thân mình. Đó là lý do trẻ luôn bắt chước tất cả những người sống xung quanh. Con không thể phân biệt được hành động đó là tốt hay xấu, con chỉ đơn thuần là copy và paste. Giai đoạn này con cũng học cách “sử dụng” cơ thể VẬT LÝ của con như tập bò, ngồi, đứng, đi, chạy… cho đến các hoạt động sử dụng 5 giác quan, đặc biệt là giác quan xúc chạm. Vận động tinh của con cũng dần được sử dụng và hoàn thiện cho đến năm 7 tuổi.

Tại sao lại là Ý CHÍ? Nếu tin rằng đứa trẻ là một thực thể tâm linh thì Ý CHÍ chính là nguồn lực đầu tiên thúc đẩy năng lượng của linh hồn từ từ thích nghi với “ngôi nhà” cơ thể mà linh hồn mới đáp xuống. Có lẽ chúng ta đã hoàn toàn quên mất điều đó, nhưng với linh hồn tự do thì việc bị bó chặt vào một thể xác đậm đặc thật sự là rất khó khăn. Và vì lẽ đó đứa trẻ cần ngủ rất nhiều. Linh hồn cần nhiều thời gian để từng chút một làm quen với ngôi nhà mới, và mỗi giấc ngủ của con sẽ như một giờ giải lao cho Linh Hồn được tự do “bay" khỏi khuôn khổ giới hạn xác thân….

Và sau đó, Ý CHÍ cũng là thứ giúp con đứng lên, bước đi trên đôi chân bé nhỏ run rẩy dù cho có hàng trăm lần té ngã. Nếu không là Ý CHÍ thì không có nguồn lực nào có thể đủ sức nâng con dậy.

Giai đoạn này những môi trường khuyến khích ý chí của con được tự do phát triển và không dùng sức mạnh của người lớn để “đè bẹp” bằng những nỗi sợ thật sự quan trọng. Tất nhiên vì yêu con nên chúng ta luôn có những nỗi sợ vô hình vây quanh: sợ dơ, sợ vi khuẩn, sợ con đau, sợ đủ thứ… Mầm non steiner vượt trội hơn ở điểm nào thì mình sẽ không bàn trong bài này, nhưng hiểu là từ 0-7 tuổi nếu mọi chuyện tốt đẹp thì ý chí con không bị đè bẹp lép và như vậy đối với trẻ tương đối sẵn sàng bước vào giai đoạn từ 7-14 tuổi – giai đoạn phát triển tình cảm.

- 7-14 tuổi: Cơ thể tình cảm của con bắt đầu được …sinh ra. Nói như vậy không có nghĩa trước đó con không có tình cảm, nhưng thể tình cảm của con (đang được hoài thai) hoàn toàn bị phụ thuộc vào người lớn xung quanh, nghĩa là con chưa có những tình cảm riêng biệt, chưa có định nghĩa và cũng chưa sử dụng cơ thể tình cảm một cách ý thức. trước 7 tuổi, đứa trẻ dễ vui và dễ khóc (chứ không dễ buồn vì chẳng có gì để con buồn trừ việc khóc khi không đạt được thứ gì đó mà Ý CHÍ muốn). Còn khi con đã 7 tuổi, khiến con vui lên bằng 1 cây kẹo mút thì chỉ chứng tỏ phụ huynh quá là trẻ con.

Giai đoạn này cũng là yếu tố chính mình muốn nói tới trong bài và cũng là nguyên do cốt lõi tại sao mình chọn giáo dục Steiner:

Giáo dục Steiner dung dưỡng cơ thể tình cảm cho con.

Chắc chắn 100% mọi người đọc bài này sẽ đồng ý với mình là việc giáo dục hiện này (cả ở công lập và tư thục) đều đang khá nặng kiến thức. Học chính khóa, học thêm, học kỹ năng, học thể chất, học văn thể mĩ… Chương trình giáo dục thì thay đổi liên tục với lượng kiến thức lớp 2 bây giờ bằng .. lớp 5 thời mình. Nghĩa là vào giai đoạn cơ thể tình cảm của một đứa trẻ đang được sinh ra thì người lớn lại chỉ chú tâm nhồi “thức ăn” vào trí tuệ. Và kể cả khi trường không cần chạy đua thành tích thì phụ huynh cũng tự… nhìn nhau để mà đua cho con mình đi học, kể cả khi phụ huynh không nhìn nhau thì con trẻ nó sẽ bị áp lực đồng trang lứa tiêu cực đẩy đi.

Hậu quả lâu dài của việc cơ thể tình cảm bị bỏ rơi đó là gì? Là một thế hệ thiếu đi sự thấu hiểu bản thân đồng thời cũng thiếu luôn sự cảm thông cho người khác. Hoặc dễ thấy hơn là các bé mắc chứng t.ự k.ỷ hay t.r.ầ.m c.ả.m ngày một gia tăng.

Ok, có thể may mắn nó không rơi vào con của anh chị lúc này. Nhưng điều đó không có nghĩa là thể tình cảm của bé được an ổn và cũng không có nghĩa không bệnh tật tức là thể tình cảm khỏe mạnh.

Và đó là lý do mình chọn tiếp tục phương pháp giáo dục Steiner ở cấp cao hơn cho con.

Nghĩa là sao? Nghĩa là môi trường ấy quan tâm tới cảm xúc của con.

Các anh chị khi mới nhìn vào sẽ thấy học Steiner vui vẻ quá, thoải mái quá, suốt ngày chỉ lên học chữ qua hình vẽ, hát vè, thơ ca, con số thì học qua câu chuyện và bài hát, lớp 1 rồi mà còn chưa biết viết, còn đang học từng nguyên âm phụ âm bằng câu chuyện…

Thưa rằng, không phải con đang đi chậm, mà con đang đi đúng tốc độ của sự phát triển tự nhiên. Cũng giống như thời chúng ta vậy, vào lớp 1 mới đc học chữ, học viết chứ ít ai đã vào lớp 1 mà đọc viết ro ro. Đó là lý do mình khẳng định với mọi người, thời đại của chúng ta “lành mạnh” hơn bây giờ rất nhiều.

Và tại sao giáo dục steiner cần nhiều thơ ca đến vậy? vì ông Steiner ông biết “thức ăn” của thể tình cảm chính là sự đẹp đẽ, bay bổng và tưởng tượng trong thi ca. Tình cảm chính là thể biểu hiện của trực giác hay trí trừu tượng (và vấn đề này mình khó có thể bàn sâu ở đây) nên để phát triển thể tình cảm suốt từ 7-14 tuổi thì việc giữ cho trẻ luôn được bay bổng trong trí óc. Còn khi đã dạy trẻ quá nhiều lý thuyết chính là chú tâm phát triển trí tuệ logic và một khi đã phát triển sự logic thì không còn cơ hội quay lại cho sự tưởng tượng phát triển nữa (vì cái chúng ta nghĩ là tưởng tượng thật ra nó vẫn đang rất logic trên nền kiến thức nào đó, bằng không chúng ta sẽ thấy tưởng tượng này thật... vô lý).

Một điều quan trọng nữa là khi bỏ qua giai đoạn phát triển tình cảm của trẻ mà đi thẳng vào giai đạo phát triển trí tuệ (điều mà chỉ nên chú tâm từ 14-21 tuổi) thì trẻ sẽ vô tình chỉ được nuôi dưỡng Ý CHÍ và TRÍ TUỆ mà mất đi sự cân bằng với yếu tố TÌNH YÊU THƯƠNG. Điều này sẽ dẫn tới một thế hệ chỉ biết dùng TRÍ TUỆ để phục vụ cho Ý CHÍ (mà lúc này thật ra là tham muốn cá nhân ích kỷ) chứ không vì TÌNH YÊU THƯƠNG cho mọi người. TRÍ TUỆ khi thiếu đi TÌNH YÊU THƯƠNG mà chỉ vì Ý CHÍ ích kỷ chỉ 1 người thôi đã gây họa cho nhân loại rồi. Biết mình nói ai khum? Adoft Hiftler đó ạ.

Và cuối cùng, không có môi trường nào hoàn hảo, nếu như con học Steiner mà về nhà cha mẹ không ấm êm thì chắc chắn thể tình cảm của con cũng sang chấn. Mình chỉ đang chia sẻ về luận điểm chọn trường cho con theo góc hiểu cá nhân. Còn dễ hiểu là con đi học con thấy vui, 8h tối tắt đèn đi ngủ là tình cảm mẹ con không sứt mẻ rồi 🤣🤣

Dung dưỡng cho con một ý chí mạnh mẽ, một thể tình cảm tròn đầy và tương lai là minh triết đúng nghĩa là đủ hành trang cho con vào đời “chịu khổ” rồi hehehe.  




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét