Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Cốt lõi của tư duy hệ thống

Chúng ta có thể nói tới rất nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay (biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chiến tranh, bất bình đẳng...) và có thể chúng ta biết các giải pháp cho các vấn đề này. Tuy nhiên chúng ta không thực hiện các giải pháp này ở tầm mức tập thể (collective actions).

Có thể ở cấp độ cá nhân, nhiều người đang thực hiện các giải pháp khác nhau. Nhưng ở cấp độ tập thể, có thể chưa có gì thực sự diễn ra.

Có một khoảng cách từ biết tới làm (Knowing - doing) là thứ mà nhiều người trong số chúng ta đang đối mặt và đây là chỗ để systems thinking - tư duy hệ thống có thể lý giải.

Systems thinking sẽ hỏi câu hỏi: Tại sao ở cấp độ tập thể, chúng ta lại tạo ra những điều chẳng ai trong số chúng ta mong muốn?

Chẳng ai nói là tôi muốn phá hủy môi trường nhưng khi cộng lại tất cả các hành động & sinh hoạt của chúng ta thì ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở tầm mức rộng lớn.

Sau nhiều năm nghiên cứu và thực hành Systems Thinking, bác Otto Scharmer và các đồng nghiệp tại MIT nhận thấy cốt lõi của Systems thinking - tư duy hệ thống là để tạo ra sự chuyển hóa và thay đổi ở cấp độ hệ thống, bạn cần tác động tới các phần chìm của tảng băng.

Tức là không chỉ giải quyết vấn đề ở bề mặt của tảng băng mà còn khám phá các vấn đề nằm bên dưới mặt nước (tức phần chìm của tảng băng) - bạn cần chạm tới gốc rễ của vấn đề.

Nhìn vào Iceberg model (ảnh lấy từ khóa học u-lab: Leading from the Emgerging Future), phần nổi của tảng bằng là những hành động nhìn thấy. Nhưng phần chìm của tảng băng là 3 tầng lớp:

🟠 Structures and systems - cấu trúc và hệ thống

🟠 (sâu hơn là) Paradigms of thoughts - mô thức tư duy & suy nghĩ của con người

🟠 (sâu hơn nữa là) Deeper source of energy, of our creativity and of who we are. - cội nguồn của năng lượng, của sự sống, của sức sáng tạo, của thứ định nghĩa chúng ta là ai.

Khi tác động tới tất cả các cấp độ, từ triệu chứng - các vấn đề bề mặt (symptoms), cho tới cấu trúc (structures), mô thức tư duy (paradigms of thoughts) và nguồn nơi chúng ta vận hành và định nghĩa chính mình (source of inspiration), chúng ta có một cách thức kiến tạo thay đổi mà bác Otto và các đồng nghiệp gọi là Awareness-based systems change (thay đổi hệ thống dựa trên nhận thức).

Có thể tóm tắt phương thức thay đổi này dựa trên 4 nguyên lý nền tảng (founding principles). 4 nguyên lý này cũng coi như là 4 điểm bắt đầu đối với bất cứ ai muốn thay đổi hệ thống xung quanh mình. Mình share lại để nhắc nhớ bản thân trên hành trình học cách kiến tạo thay đổi từ chính những điều gốc rễ.

1. You cannot understand a system until you change it.

(tạm dịch: Bạn không thể hiểu một hệ thống cho tới khi bạn thay đổi nó)

Bạn không thể hiểu hệ thống cho tới khi bạn thay đổi nó. Chỉ là người quan sát hệ thống từ bên ngoài, bạn sẽ không thể kết nối với nó.

2. You cannot change a system until you transform consciousness (transform the mindset of the people who are enacting the system)

(tạm dịch: Bạn không thể thay đổi một hệ thống cho tới khi bạn chuyển hóa tâm thức, hay mindset/tư duy của những người đang vận hành hệ thống đó)

Nếu bạn đưa vào cấu trúc, quy trình mới nhưng mindset của con người trong hệ thống đó không thay đổi, cách họ nghĩ, cách họ kết nối với nhau không thay đổi, thì những người đó trong một cấu trúc mới vẫn làm sống dậy các vấn đề cũ (re-enact the same old problems).

3. You can't transform consciousness until you make a system see, sense and invert itself.

(tạm dịch: Bạn không thể chuyển hóa tâm thức cho tới khi bạn làm cho một hệ thống nhìn thấy, cảm nhận & quan sát diễn tiến bên trong chính nó)

Tựa như nếu bạn không nhìn vào gương, bạn không biết mình đang thế nào và cũng ko biết làm gì để thay đổi.

Bạn cần phải nhìn, cảm nhận hệ thống từ góc nhìn của các đối tác chủ chốt (key stakeholders) trong hệ thống, bao gồm cả những người ở vùng rìa của hệ thống (The marginalized).

Không chỉ nhìn và cảm nhận, bất cứ sự thay đổi nào bên ngoài bạn muốn tạo ra, bạn cũng cần bắt đầu thay đổi điều gì đó bên trong chính mình, từ cái cách mà bạn chú ý, và hiện diện với 1 vấn đề/tình huống, từ cách bạn lắng nghe trong 1 cuộc hội thoại. Đó chính là ý nghĩa của từ invert mà bác Otto muốn nói đến.

4. You can't lead systems transformation unless you sense and presence the future as it emerges.

(tạm dịch: Bạn không thể dẫn dắt sự thay đổi trong hệ thống trừ phi bạn cảm nhận và hiện diện với tương lai đang khởi sinh)

Nguyên lý này đưa ta tới cốt tủy của nghệ thuật lãnh đạo.

Làm lãnh đạo, bạn cần dẫn dắt và bước đi từ vùng bạn đang đứng, từ nơi mà bạn biết rất rõ, đi tới vùng bạn không biết, vùng mà bạn còn không biết là nó tồn tại. Có thể bạn chỉ cảm nhận được một chút gì đó. Nhưng khi nó thành hiện thực, khi đó bạn có can đảm để đi tới nhiều hơn vào những vùng không biết trước. Đó là cách các lãnh đạo kiến tạo thay đổi.

Cảm nhận các khả năng mới, cảm nhận tương lai đang tới và thử diễn đạt nó thành lời. Khám phá qua các thử nghiệm thực tiễn. Đó cũng chính là cốt lõi của social entrepreneurship - khởi nghiệp xã hội, của mọi sự sáng tạo.

Nhất là trong kỷ nguyên AI, chúng ta có thể học được rất nhiều từ quá khứ, từ những điều chúng ta đã tạo ra nhờ sự trợ giúp của AI. Nhưng điểm mù của AI là gì? Đó chính là deep sensing, là khả năng để cảm nhận và nhận biết các khả năng mới của tương lai. Đó là khả năng cảm nhận và sáng tạo từ khoảng trống, từ hư vô, và nương vào các khả thể của tương lai đang khởi sinh.

Bùi Mai Phương 

Nguồn tham khảo:

- Các nội dung trên được trích từ bài giảng của bác Otto Scharmer về Essence of Systems Thinking từ Khóa u-lab: Leading from the Emerging Future trên nền tảng MITx 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét