Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Tự tại

Tác giả: Đinh Hoàng Anh

Rất nhiều bạn nói với tôi rằng, khi nào cuộc sống ổn định hơn, các vấn đề được giải quyết kha khá thì mới ung dung tự tại được, còn như bây giờ thì... khó quá.

Tôi thường im lặng, vì cũng không biết trả lời thế nào. Nhưng tôi nghĩ thầm, tự tại không phải là hệ quả của hoàn cảnh. Tự tại là phẩm chất tự thân sẽ hiển lộ khi sự nhận biết của bạn đã chín muồi.

Đã sinh ra trên đời thì sẽ luôn luôn có vấn đề. Sinh-trụ-hoại-diệt luôn hiện diện mọi nơi mọi lúc. Sẽ không có sự ổn định nào là lâu dài. Vậy thì nếu ta cầu mong sự ổn định thì chính là trong tâm ta đã khởi lên bất an sâu sắc.

Đã sống trên đời ắt sẽ có các vấn đề. Vấn đề nảy sinh thì cần được giải quyết, muốn giải quyết cần đối thoại, muốn đối thoại cần đối diện, muốn đối diện cần chấp nhận thực tại như nó đang là. Và muốn chấp nhận hãy bỏ đi mong cầu viển vông của mình, thay vào đó nhìn ra mọi giới hạn của bản thân và của ngoại cảnh. Khi mọi thứ thấu suốt rồi thì sự tự tại sẽ nảy sinh.

Có một điều khó khăn thường xuất hiện khi ta chọn lựa cách giải quyết vấn đề, đó là ta khó chấp nhận cái giá phải trả, ta luôn ước mong sự vẹn toàn theo ý ta, mà quên rằng bản chất của Tự nhiên là bất toàn, và đó chính là chìa khóa của sự phát triển. Cây muốn sinh trưởng phải đi qua những mùa rụng lá. Nhìn bên ngoài thì các cành khô có vẻ như đã chết, thực ra cây đang tích trữ năng lượng bên trong, bộ rễ đang miệt mài truy tìm nguồn dinh dưỡng để chuẩn bị cho mùa xuân. Chúng ta có dám chấp nhận những mùa khô héo của đời mình không?

Một khó khăn khác nữa là những lo nghĩ vẩn vơ, những sợ hãi vẩn vơ, những mộng ước vẩn vơ. Thời gian để suy tư và tìm hướng giải quyết vấn đề không nhiều, nhưng thời gian nghĩ ngợi lan man, vô bổ, vô mục đích, vô vọng... thì lại triền miên không dứt. Chính điều đó làm tan rã năng lượng của ta, làm nản lòng ta, làm suy kiệt ý chí, sự can đảm, sự tỉnh táo, vốn là những phẩm chất cần thiết để sống trong cõi nhân gian này mà vẫn giữ được sự tự tại bình an.

Vậy thì, hãy suy nghĩ một cách thực tế, rồi khi đã nghĩ xong thì hành động và chấp nhận hậu quả, không hối tiếc, không ngoái lại vẩn vơ "nếu như"

Bởi vì không có "nếu như" nào cả. Hành động của ta phản ánh thực trạng còn người ta lúc đó. Nhưng con người ta hôm nay không còn là con người ta hôm qua. Cho nên sự phát triển là có thể. Chỉ cần tâm định, thì trí sáng, vậy hãy tin tưởng ở Phật tính tiềm ẩn bên trong tâm thức của ta.

Thế thì biết làm gì với những lo lắng và ước mộng viển vông? Những thứ vò xé tâm can và làm ta rối trí?

Theo tôi thì hãy cắt ngay, chuyển hướng sang tư duy và hành động khác. Vui chơi, tập luyện, sáng tạo, gặp gỡ... Làm bất cứ thứ gì để ra khỏi tâm trạng rối bời của mình khi vấn đề chưa giải quyết xong.

Và để bắt đầu chuyển hướng, lại dùng "phép màu" của Ba hơi thở sâu vào Đan điền, để huy động năng lượng cội nguồn và đưa tâm trí về rỗng lặng.

Thực ra thì các vấn đề đến trong đời ta đều là bài học, đều là thử thách để ta trưởng thành. Vậy nên hãy vui vẻ đón nhận và tri ân sâu sắc. Niềm tri ân đó chính là khởi đầu của sự tự tại, như nước nguồn chầm chậm dâng lên và lặng lẽ chảy tuôn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét