Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

Chết trong tỉnh thức và phục sinh trong sự sáng suốt

Tác giả: Huỳnh Nguyễn Đăng Trình

Vài nét về các cơ thể con người, chết trong tỉnh thức, và phục sinh trong sự sáng suốt

Thể xác của một người đã chết tuân theo quy luật phân hủy của thế giới tự nhiên. Vì thế một người còn sống, ngoài thể xác, còn có cơ thể sức sống, và cơ thể này hoạt động đối trọng với quy luật phân hủy. Nó giữ hình dạng và mang sức sống đến thể xác. Các loài thực vật và động vật cũng có thể sức sống.

Trong con người, thể sức sống còn là nơi chứa các thói quen, tập tính, tính nết cố hữu của người đó. Điều này khá dễ thấy. Một người cho dù còn sống, nhưng sức sống thực sự của người đó được quyết định trực tiếp bởi thói quen và tập tính của người đó. Ví dụ như thói quen ăn uống. Hoặc chẳng hạn, một người chơi nhạc cụ cổ điển đều đặn có thể giúp giữ độ minh mẫn đến những năm tám mươi, chín mươi.

Vì thế, thể sức sống còn là nơi chứa sự sáng suốt của một con người, tức những trí tuệ đã được trải nghiệm đều đặn và trở thành thói quen, tập tính. Và thật vậy, Anthroposophy nhìn nhận việc dùng ý chí đi vào trải nghiệm một chân lý nào đó thường xuyên, tức sống hết mình với niềm tin chân lý đấy, sẽ giúp mở các giác quan tâm linh của người đó. Khác với các giác quan thông thường có cơ quan tương ứng ở thể xác, các giác quan tâm linh nằm ở thể sức sống. Khi mở được, người đó trở nên sáng suốt, chứng kiến trực tiếp chân lý đấy. Và thêm một chút của thể sức sống đã được chuyển hóa thành sinh thể tâm linh ("life-spirit").

Vậy, sự sáng suốt ("clairvoyant") của một người đến từ việc mở các giác quan tâm linh trong thể sức sống. Nhưng tùy vào thôi thúc đến từ đâu để người đó chịu trải nghiệm để mở các giác quan này mà quyết định sự sáng suốt đó là về cái gì. Chẳng hạn, nếu thôi thúc đó là một loại cưỡng cầu, thì cái "sáng suốt" đó chỉ thấy sản phẩm của thứ tạo ra cưỡng cầu đấy. Và thôi thúc--cho dù là cưỡng cầu hay hoài bão thiêng liêng--đến từ cơ thể cảm xúc (hoặc bản ngã tâm linh) của con người. Như vậy, ngoài thể xác và thể sức sống, con người còn có thể-cảm-xúc, nơi chứa các thôi thúc, ham muốn, hoài bão của mình. Các loài động vật cũng có thể-cảm-xúc.

Nhưng tại sao các giác quan tâm linh con người không mở từ đầu mà lại đóng để lại tốn công mở ra? Ngày xưa, trước thời Atlantis, khi nhân loại còn là Một, bấy giờ thể xác chưa rắn chắc, thể sức sống còn vươn xa ra ngoài thể xác, con người bấy giờ chưa làm chủ thể xác, chưa thức tỉnh trong nhận thức, nhưng trong mơ màng có thể nhận thức về thế giới tâm linh qua các giác quan trong thể sức sống còn tự do. Nhưng để phát triển sự tỉnh thức của mình, thể xác con người dần dần rắn chắc, thể sức sống dần dần co cụm vào ôm sát lấy thể xác để làm chủ nó. Quá trình rất dài này mãi đến cách đây hai ngàn năm mới (gần như) chấm dứt.

Vì thế vai trò của thế xác đối với tâm hồn con người như một tấm gương. Nhờ làm chủ nó (trong đó có làm chủ tư duy), con người nhìn vào gương mà thấy chính mình, mà tỉnh thức. Điều này được nói đến trong truyện Adam và Eve, ngay sau khi vừa ăn trái cấm, tức chỉ mới bắt đầu quá trình rắn chắc hóa thể xác, thì lập tức tự thấy mình trần trụi, tức quá trình phát triển tỉnh thức đã bắt đầu.

Nhưng để làm chủ được thể xác, thể sức sống phải co cụm bám sát vào nó, và vì vậy các giác quan tâm linh đã đóng hết. Một hậu quả đó là tư duy cứng nhắc, và chỉ tư duy về thế giới vật chất. Nhiệm vụ của con người ngày nay chính là làm cho thể sức sống của mình tự do trở lại và lấy lại các giác quan tâm linh, nhưng vẫn tỉnh thức và làm chủ thể xác. Con người đã được ban tặng thể xác để giúp mình tỉnh thức, nay trong sự thức tỉnh phải tâm linh hóa, hay thiêng liêng hóa thể xác của mình trong quá trình thiêng liêng hóa cả thế giới vật chất đã được tạo ra phục vụ cho tiến hóa của chính mình. Một bước đầu trong việc làm cho thể sức sống tự do trở lại chính là làm cho tư duy của mình linh hoạt, uyển chuyển. Nhờ bộ não, con người có tư duy logic, nay cần giữ tính logic chính xác đó tiếp tục làm linh hoạt tư duy. Với tư duy logic và linh hoạt này, con người sẽ tạo ra các thôi thúc thiêng liêng trong mình để mở rộng thể sức sống.

Và vậy ta quay trở lại thể cảm xúc, nơi chứa các cảm xúc, thôi thúc trong con người. Khi từ những thôi thúc trong nội tâm, một người đi vào rèn luyện trải nghiệm để mở rộng thể sức sống để mở các giác quan tâm linh, thì sự "sáng suốt" mà người đó sẽ đạt được sẽ tương ứng với cái nguồn của thôi thúc đấy. Điều này hiển nhiên dễ thấy. Trong đời thường thì một người cống hiến vào cái gì cao nhất--tức thôi thúc đến từ đó vào anh ta--thì sẽ am hiểu về cái đấy hơn người khác. Một ví dụ thú vị--không trong đời thường lắm nhưng vẫn khá phổ biến--là ngày nay vẫn còn rất nhiều người dùng các biện pháp cưỡng cầu để mở rộng thể sức sống. Chẳng hạn, các loại thuốc phiện, hoặc một số loại thiền. Các hình thức cưỡng cầu này làm thể sức sống nới lỏng khỏi thể xác trong sự thiếu tỉnh thức, và trong lúc đó các giác quan tâm linh được mở để chỉ thấy những thực thể tâm linh phản tiến hóa tạo ra các cưỡng cầu đấy, và họ lầm tưởng đó là thế giới tâm linh chân thật, và không hiểu rằng chúng là phản tiến hóa.

Con đường đúng cho con người ngày nay và tương lai là trong tỉnh thức tạo ra các thôi thúc thiêng liêng trong mình, để từ các thôi thúc này mở rộng thể sức sống. Tức đi từ bản ngã tâm linh ("spirit-self"), nghĩa là phần của thể cảm xúc đã được thiêng liêng hóa, đến sinh thể tâm linh ("life-spirit"), nghĩa là phần của thể sức sống đã được chuyển hóa.

Nhưng con đường để thiêng liêng hóa các thôi thúc của mình, tức con đường để chuyển hóa thể cảm xúc của mình, tức con đường để tâm linh hóa tâm hồn của mình để nó trở thành tâm hồn tỉnh thức ("consciousness soul") cao nhất, sẽ như thế nào? Nó chính là con đường mà Steiner mô tả trong phần 1 chương 3 quyển "Theosophy" (đã dịch), về hành trình tâm hồn đi sau khi chết, chỉ khác là ở đây người đó rèn luyện hành trình đó khi còn sống tỉnh thức, để ngày càng thiêng liêng hóa cảm xúc, thôi thúc của mình. Chỉ khi đi từ thôi thúc và hoài bão tỉnh thức, con người mới đến được sự sáng suốt về các minh triết vĩnh cửu.


(Trong quyển "Occult Science", Steiner mô tả hành trình của tâm hồn sau khi chết từ một khía cạnh khác. Đó là khía cạnh khi thể cảm xúc dần dần mở rộng ra vũ trụ, và trên đường đi đó gặp gỡ chín cấp bậc thần linh. Hành trình này cũng có thể diễn giải như một hành trình cho một người tỉnh thức thiêng liêng hóa các thôi thúc của mình. Người đọc quan tâm có thể đọc comment của mình về việc này trong bài "Hiện thực tâm linh của tiến hóa trái đất", 



Vì thể sức sống mang sức sống đến thể xác, và vì hiện giờ trong con người hiện nay nó đang co chặt vào thể xác, trải nghiệm ban đầu của một người trong tỉnh thức khi thể sức sống của mình được tách ra khỏi thể xác là một trải nghiệm chết. Một cái chết trong sự tỉnh thức và tự nguyện, đến từ thôi thúc hiểu biết và thiêng liêng. Một cái chết như vậy sẽ được cái nguồn của thôi thúc đấy phục sinh, và nơi phần của thể sức sống mới vừa được tự do sẽ được làm đầy với trí tuệ từ nguồn đó. Đó là một phục sinh trong sự sáng suốt.


Và nội lực ý chí để một người cất bước trên hành trình nói trên đến từ bản ngã, cái Tôi, của chính con người đấy. Cái Tôi đấy bình thường, khi chưa cất bước, chỉ là một "cái Tôi thấp". Gọi là "cái Tôi thấp" bởi nó chính là cái Tôi (cao) nhưng bị che lấp bởi các thôi thúc và tính nết phù du. Cái Tôi thật bắt đầu hiện hữu rõ ràng chỉ khi nó cất bước hành trình làm chủ và chuyển hóa các thôi thúc và tính nết.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét