Trí khôn là cái cách để đạt được những thứ bên ngoài. Tất cả những thành công bên ngoài đạt được đều là trí khôn. Trí tuệ là loại hiểu biết để hướng vào bên trong và có được sự bình an, an lạc ở bên trong. Còn trí khôn là cái loại suy nghĩ hướng ra bên ngoài, đạt được cái này cái kia bên ngoài. Quan trọng là không phải thành công ở bên ngoài, quan trọng là sự bình an ở bên trong. Ba điều chúng ta cần dạy con theo trí tuệ:
Thứ nhất là nhân quả, không có quả nào không có nhân. Quả muốn trổ phải có nhiều nhân cùng gieo.
Thứ hai là vô thường, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Nên ta không bất ngờ và không bị bức bối trong cuộc sống.
Thứ ba là bất toại nguyện, không phải cứ muốn là được. Muốn có thể được, có thể không được. Muốn mà cố gắng được thì phải gieo đủ nhân, mà nếu không được thì do không đủ nhân duyên.
Dạy con bằng cách nào? Đứa trẻ học bằng cách trực tiếp và gián tiếp (bắt chước). Nên chính cha mẹ hãy là tấm gương. Mình phải sống như lời mình dạy nó. Thế nên muốn dạy con bản thân mình cũng phải hiểu đúng cái sự trí tuệ đấy. Rồi mình cũng phải sống được như vậy. Quá trình dạy con chính là quá trình bố mẹ học luôn, học và sửa mình luôn.
ĐÁNH THỨC PHẨM TÍNH TỐT ĐẸP BÊN TRONG CON TRẺ
Phẩm chất của con trẻ không lệ thuộc vào việc nó bên ngoài như thế nào. Giá trị của đứa bé không phụ thuộc vào nó thành công hay thất bại bên ngoài. Mẹ nó, hay bố mẹ nó yêu thương nó vô điều kiện rồi. Nếu làm thế được nó là một đứa bé rất tự tin, không thiếu thốn tình cảm.
“Con có là cái gì đi nữa thì tình yêu bố mẹ dành cho con vô điều kiện. Giá trị của con không nằm ở bên ngoài.” Đấy là một loại trí tuệ. Làm như vậy đứa bé rất tự tin.
Bố mẹ hãy đánh thức những phẩm tính bên trong con trẻ. Khi mình nói là: “Con là một đứa bé ngoan, tự giác.” không nhất thiết nó đã ngoan, tự giác sẵn nhưng mình đánh thức cái tiềm năng tự giác bên trong nó. Nên là mình hãy nói với nó lời yêu thương, hãy sống bằng thái độ yêu thương ít điều kiện nhất có thể. Nếu mình chưa vô điều kiện được thì phải ít điều kiện. Đấy, càng ít điều kiện càng tốt.
TỰ GIÁC - KỶ LUẬT TỪ BÊN TRONG
Những người mà thành đạt hay thành công thường là những người kỷ luật từ bên trong.
Kỷ luật từ bên ngoài, hoàn cảnh nó mất một cái, mất đi tính kỷ luật ngay. Còn kỷ luật từ bên trong thì không quan trọng hoàn cảnh. Vậy thì mình hãy dạy cho con mình thành một đứa bé có kỷ luật từ bên trong, hay TỰ GIÁC. Kỷ luật từ bên trong đến từ hiểu biết, trí tuệ, chứ không phải đến từ bắt ép được!
Kỷ luật từ bên ngoài đến từ bắt ép. Cứ bắt nhiều, ép nhiều, nó sẽ trở thành một đứa bé có kỷ luật từ bên ngoài.
Nhưng nếu mình dạy cho con có trí tuệ, dần dần nó thành một đứa bé có kỷ luật từ bên trong. Đấy mới là đứa bé có thể hạnh phúc được. Mình không hạnh phúc được vì kỷ luật bên ngoài mà. Hoàn cảnh đổi một cái, hoặc là không ai biết là mình phá luật ngay. Còn kỷ luật bên trong thì không.
Bên trong là do trí tuệ mới có. Còn bên ngoài là do hoàn cảnh ép làm. Bên ngoài một tí là mất ngay, bên trong sẽ còn mãi.
DẠY CON THEO ĐUỔI CÁI ĐÚNG CHỨ KHÔNG THEO ĐUỔI PHẦN THƯỞNG
Phần thưởng chỉ lúc đầu thôi. Phần thưởng không nên là động lực. Phần thưởng không bao giờ trở nên động lực. Vì như vậy người ta làm vì cái tôi của họ, chẳng vì đúng. Nếu mình biến phần thưởng thành động lực, thì đứa bé chỉ làm vì cái tôi mà thôi. “Tôi được tôi mới làm, tôi không được, tôi không làm.”
Nên phần thưởng chỉ có giá trị lúc ban đầu thôi. Phần thưởng lúc ban đầu tạo ra một nguồn cảm hứng và để khuyến khích nó làm điều đúng. Chứ còn cuối cùng ấy thì nó phải hành động dựa trên cái gì là sự thật, chân lý. Nó phải theo đuổi cái đúng chứ không phải theo đuổi phần thưởng. Nên mình phải dạy con theo đuổi cái đúng.
~ Lược trích từ Trà Đàm của Thầy Trong Suốt
"Nuôi dạy con theo tinh thần Phật pháp để có một đứa trẻ trí tuệ - Phần 2" - Đà Nẵng 5/2017
💜 Bạn có thể tìm thấy bản đầy đủ tại link sau:
💛Danh sách toàn bộ các buổi trà đàm có thể tìm thấy ở đây:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét