Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Giao Tiếp Phi Bạo Lực


Nguồn: Lê Nguyễn Trần Huỳnh - Personal Coach

Giao tiếp bất bạo động (Nonviolent Communication) là một phương pháp giao tiếp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả được phát triển bởi tiến sĩ Marshall Rosenberg, được áp dụng trong việc hàn gắn và giải quyết mâu thuẫn giữa các mối quan hệ cá nhân, trong gia đình, các tổ chức và thậm chí giữa các quốc gia.
Video này là toàn bộ Khóa học Giao tiếp bất bạo động của tiến sĩ Marshall Rosenberg tại thành phố San Francisco (Hoa Kỳ), được dịch bởi nhóm dịch của Personal Coach và trang web Nghethuatlanhdao360.com. Với những dẫn dắt, tương tác, ví dụ sinh động, cụ thể và dễ hiểu, chúng ta sẽ thấy được bức tranh tổng quan của Giao tiếp bất bạo động và cách áp dụng nó vào các mối quan hệ hàng ngày của mình.
Cuốn sách Nonviolent Communication: A language of life (tạm dịch: Giao tiếp bất bạo động – Ngôn ngữ của cuộc sống)  của tiến sĩ Marshall đã được bán trên 1 triệu bản và được dịch sang hơn 30 thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới.
P/s: Nếu bạn đã xem xong khóa học và muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về phương pháp này, bạn có thể gửi email đến lenguyentranhuynh@gmail.com để nhận ebook (tiếng Anh) của quyển sách.
Bài viết liên quan đến chủ đề Giao tiếp bất bạo động:
*****
Thấu cảm với chính mình

“Nếu bạn không yêu thương bản thân mình, thì bất kể có bao nhiêu người yêu thương bạn, nó vẫn sẽ không bao giờ là đủ” – Tiến sĩ tâm lý Menis Yousry.

Trong bài viết Khi một người đau khổ, hãy hiện hữu mà thôi được nhiều bạn quan tâm và chia sẻ, tôi đã viết về một trong những nguyên tắc của phương pháp Giao tiếp Bất bạo động (Nonviolent Communication – một phương pháp giao tiếp nổi tiếng thế giới được phát triển bởi tiến sĩ Marshall Rosenberg), đó là việc hãy chỉ hiện hữu và thấu cảm với một người đang gặp khó khăn về mặt tâm lý, thay vì cố gắng cho lời khuyên, trấn an, dạy dỗ, dò hỏi, kể lể hay sửa chữa họ. Nhưng có một điều còn quan trọng hơn khả năng hiện hữu và thấu cảm đối với người khác, và việc này cần xảy ra trước tiên, đó là khả năng hiện hữu và thấu cảm đối với chính bản thân mình. Vì suy cho cùng thì, làm sao chúng ta có thể dành sự chấp nhận, yêu thương và thấu cảm cho người khác, khi chúng ta chưa dành sự chấp nhận, yêu thương và thấu cảm cho riêng mình? 

“Chừng nào chúng ta còn cố trừng phạt bản thân vì những hạn chế của mình thì chứng đó chúng ta chưa tìm được hòa bình” – Mahatma Gandhi

“Bóng tối không thể xua tan đi bóng tối; chỉ ánh sáng là có thể. Hận thù không thể xua tan đi hận thù; chỉ tình yêu là có thể” – Martin Luther King, Jr

Người ta thường nói với bạn rằng: bên trong mỗi con người đều tồn tại những mảng sáng và những mảng tối. Tuy nhiên, sự thật thì, bóng tối không hề tồn tại, nó không có thực. Cũng giống như trong một căn phòng, nếu bạn tắt đèn đi, bóng tối sẽ xuất hiện; nếu bạn bật đèn lên lại, bóng tối sẽ biến mất. Bạn có thể làm một điều gì đó với ánh sáng, nhưng bạn không thể tác động đến bóng tối. Nếu bạn chiến đấu với bóng tối và cố gắng đè nén nó, chắc chắn bạn sẽ thất bại. Vì suy cho cùng, làm sao bạn có thể đánh bại được một thứ không có thực? Việc chúng ta dằn vặt, chỉ trích, phán xét, trừng phạt bản thân mình chính là việc chúng ta đang chiến đấu và cố gắng đè nén bóng tối bên trong mình. Làm như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại, sẽ cảm thấy bất lực, và chỉ làm cho bóng tối trong chúng ta trở nên lớn mạnh thêm. Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung cũng từng nói: “What you resist, persist”, tức bất cứ điều gì mà bạn chống lại, thì nó sẽ càng được củng cố thêm sức mạnh. Thay vì làm việc vô ích ấy, chúng ta hãy mang ánh sáng vào.

Chúng ta mang ánh sáng vào bằng cách nào? Chúng ta mang ánh sáng vào bằng cách trao cho bản thân mình sự thấu cảm. Trong bài viết “Khi một người đau khổ, hãy hiện hữu mà thôi”, mình đã viết về sự thấu cảm dành cho người khác dựa trên một trong những nguyên tắc của Giao tiếp bất bạo động: Chúng ta thấu cảm với người khác bằng cách chỉ hiện hữu, chấp nhận và kết nối với điều đang thực sự sống bên trong trái tim họ, chính là những cảm xúc và nhu cầu. Chúng ta làm điều tương tự để trao sự thấu cảm với bản thân mình: hiện hữu và kết nối với điều đang thực sự sống bên trong mình, với những cảm xúc và nhu cầu của chính mình. 

Một nguyên tắc cơ bản của Giao tiếp bất bạo động đó là: bên dưới bất kỳ một lời chỉ trích, phán xét, than phiền nào cũng là một cảm xúc (feeling) và một nhu cầu chưa được đáp ứng (unmet need). Bên dưới những câu nói mang tính tự dằn vặt, phán xét và trừng phạt bản thân như “Mình là một đứa vô dụng. Mình chẳng thể làm nên trò trống gì!”, hay “Sao mình lại có thể hành động ngu ngốc như vậy chứ?”, hay “Mình đúng là một đứa chuyên gây rắc rối!”,…cũng là một cảm xúc và nhu cầu nào đó của bản thân chưa được đáp ứng. Khi bạn kết nối với điều đang thực sự sống (điều diễn ra trong trái tim), tức những cảm xúc và nhu cầu chưa được đáp ứng ấy, thay vì tự phán xét, chỉ trích và trừng phạt chính mình (điều diễn ra trong cái đầu), một phép màu tự chữa lành sẽ diễn ra một cách tự nhiên bên trong bạn. Vì vậy, mỗi khi bạn nhận ra mình đang dằn vặt, chỉ trích, phán xét, trừng phạt bản thân mình, hãy đặt cho mình hai câu hỏi sau:

Cảm xúc và nhu cầu chưa được đáp ứng nào của mình đang được thể hiện thông qua việc tự dằn vặt, chỉ trích, phán xét, trừng phạt bản thân này?

Khi mình có hành động khiến bây giờ mình cảm thấy tội lỗi, nhu cầu nào lúc ấy mà mình đã cố gắng đáp ứng?

“Hãy là sự thay đổi bạn muốn nhìn thấy trên thế giới” – Mahatma Gandhi

“Nếu bạn có thể hòa bình với chính mình, bạn có thể hòa bình với bất kỳ ai” – Tiến sĩ Menis Yousry

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phá tan khuôn mẫu xu hướng tự chỉ trích, trừng phạt bản thân mình, và đem cho mình nhiều sự chấp nhận, thương yêu và thấu cảm hơn. Tại sao trên Thế giới lại có quá nhiều bạo lực, chiến tranh và trừng phạt? Đó là vì mỗi cá nhân của chúng ta đã và đang tạo ra quá nhiều bạo lực, chiến tranh và trừng phạt với chính bản thân mình. Thế giới bên ngoài thì là phản chiếu của những thứ xảy ra bên trong chúng ta. Bằng cách đem sự thương yêu và thấu cảm với chính mình, bạn sẽ bắt đầu đem lại tình thương yêu, thấu cảm và hòa bình đến với cuộc sống.

Khi một người đau khổ, hãy hiện hữu mà thôi

"Nếu bạn yêu một ai đó, món quà lớn nhất mà bạn có thể trao cho họ, đó là sự hiện hữu của bạn" - Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thấu cảm (Thấu hiểu và Cảm thông) là khả năng hiểu và cảm nhận được điều mà người khác đang cảm nhận. Trong mối quan hệ với người khác, sự thấu cảm chỉ xảy ra khi chúng ta buông bỏ được những ý niệm, đánh giá về họ, buông bỏ suy nghĩ rằng: “Giúp họ cảm thấy tốt hơn là trách nhiệm của mình”, và buông bỏ những hiểu biết lý trí như: “Điều này bắt đầu từ lúc nào?” và khát khao “sửa chữa” vấn đề. Những hiểu biết về mặt trí tuệ ấy chỉ làm trở ngại nhân tố để sự thấu cảm có thể xảy ra. Nhân tố để sự thấu cảm xảy ra là gì? Đó là sự hiện hữu: chúng ta hoàn toàn có mặt và hiện hữu với người kia và điều họ đang cảm nhận. Thấu cảm chính là khả năng yên lặng trí óc và lắng nghe với toàn bộ sự hiện hữu. Tuy nhiên, sự hiện hữu này không dễ để duy trì. Nhà văn người Pháp Simone Weil khẳng định: “Khả năng trao sự chú tâm của một người với một người đang đau khổ là hiếm và rất khó; hầu như đó là một phép màu; đó là một phép màu. Gần như tất cả những người nghĩ rằng họ có khả năng đó không sở hữu nó”. Thay vì thấu cảm, chúng ta có sự thôi thúc mạnh mẽ để cho lời khuyên, trấn an, dạy dỗ, kể lể, thương hại,…Sự thấu cảm, ngược lại, đòi hỏi chú tâm hoàn toàn vào thông điệp của người kia. Điều gì đang thực sự xảy ra bên trong họ? Họ đang có cảm xúc gì, và những nhu cầu nào của họ chưa được đáp ứng?

“Hãy nhìn cây tùng trước sân. Cây tùng xanh tươi, mát mẻ, đẹp đẽ. Cây tùng chẳng “làm” gì cả, nhưng ai cũng được hưởng lợi lạc. Đây là phép là của sự có mặt” – Thích Nhất Hạnh, trong Quyền lực đích thực.

Theo tiến sĩ Marshall Rosenberg, đằng sau bất cứ một lời chỉ trích, phán xét, than phiền nào cũng tồn tại một cảm xúc và nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng. Nếu bạn hiểu và nhớ điều đó, bạn sẽ không còn nghe bất cứ một lời chỉ trích, phán xét, than phiền nào nữa. Vì tất cả những gì bạn nghe thấy chỉ là một cảm xúc và nhu cầu chưa được đáp ứng của người kia mà thôi.

Bạn hãy để ý, những lời đáp B không hề “phán” cảm xúc và nhu cầu của người kia là gì, mà chỉ nêu ra lời phỏng đoán dưới dạng một câu hỏi. Điều này không chỉ giúp người kia hướng sự chú tâm vào điều trái tim mình thực sự đang cảm nhận (thay vì dùng cái đầu để chỉ trích, phán xét), mà còn cho họ cơ hội để chỉnh sửa lại nếu phỏng đoán của chúng ta chưa chính xác. Bằng cách này, chúng ta trao cho họ thời gian và không gian họ cần để bày tỏ được trọn vẹn và cảm thấy được thấu cảm. Và khi họ cảm thấy mình được thấu cảm, sự tự chữa lành bên trong họ sẽ tự động xảy ra mà chẳng cần bạn làm gì. Hoặc đôi khi, những lời khuyên, lời trấn an,…phù hợp sẽ tự thông qua bạn mà thể hiện.

...bạn hoàn toàn có thể nói những câu theo lời đáp B một cách im lặng. Bạn có thể chỉ cần sử dụng ánh mắt để thể hiện ý định của mình. Ánh mắt của bạn sẽ rất khác khi bạn thực sự hiện hữu và quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của người đối diện, so với khi bạn ý định của bạn là dò hỏi, sửa chữa, kể lể hay dạy dỗ họ. Và một lần nữa, để làm được điều đó, chúng ta cần phải thực sự 100% hiện hữu, có mặt ở đó với họ, như lời khuyên của các tín đồ đạo Phật rằng: “Không cần làm gì cả. Chỉ hiện hữu mà thôi” (Don’t just do something, stand there).

Hiểu về giận dữ

...khi sự chú tâm của chúng ta nằm ở những suy nghĩ về hành động mà chúng ta cho là “sai” của người khác, chúng ta sẽ cảm thấy giận dữ. Nhưng khi sự chú tâm được chuyển về những nhu cầu của chúng ta, chúng ta có thể sẽ cảm thấy sợ hãi, đau buồn, chán nản…nhưng không còn là giận dữ nữa. Và khi chúng ta có thể chia sẻ những cảm xúc và nhu cầu ấy của mình cho người khác, có nhiều khả năng là nhu cầu của chúng ta sẽ được đáp ứng hơn.

Không có gì sai với cảm giác giận dữ. Rất nhiều người trong chúng ta đã được dạy rằng giận dữ là “sai”, và để là một người “tốt”, thì chúng ta không được giận dữ. Và thế là chúng ta kiềm nén cơn giận của mình. Thực ra, giận dữ là người bạn của chúng ta. Giận dữ nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta đang mất kết nối với những nhu cầu của mình, và chúng ta đang có những suy nghĩ góp phần tạo ra bạo lực. Giận dữ thức tỉnh chúng ta, và cho chúng ta cơ hội để chuyển hóa những suy nghĩ ấy thành những suy nghĩ có khả năng tạo ra hòa bình trên hành tinh này.

Trở về với trái tim

“Dám thể hiện sự tổn thương có thể giúp chúng ta giải quyết những mâu thuẫn” – Tiến sĩ Marshall Rosenberg

“Thể hiện sự tổn thương là rủi ro mà chúng ta phải chấp nhận nếu như chúng ta muốn có sự kết nối” – Tiến sĩ Brene Brown

...bên dưới bất kỳ một sự chỉ trích, phán xét, suy diễn,...nào, cũng là một nhu cầu nào đó đang không được đáp ứng của chúng ta. Khi chúng ta có thể kết nối với những nhu cầu của mình và chia sẻ những nhu cầu ấy cho người khác, cũng như nhìn thấy được những nhu cầu của người khác bên dưới mỗi hành động của họ, chúng ta sẽ có thể tạo ra một dòng chảy mà ở đó, cả hai bên đều mong muốn làm cho cuộc sống của nhau trở nên đẹp hơn, bằng cách quan tâm và đáp ứng những nhu cầu ấy của nhau nhiều nhất có thể. Đó là cách để chúng ta quay trở lại với cuộc sống, trở lại với bản chất chân thật thánh thiện của mình.

...Chiến tranh và bạo động trên thế giới có lẽ sẽ không bao giờ có thể xảy ra, khi mọi người có thể ở lại trái tim, kết nối với nhu cầu của mình và người khác, vì về mặt nhu cầu, chúng ta không hề có sự cách biệt nào cả. Nhu cầu giúp chúng ta nhìn thấy “phần người” của nhau, và nhận ra chính mình bên trong tất cả mọi người. Nhưng thay vì thế, chúng ta lại thường xuyên “leo lên cái đầu” và lao vào những trò chơi “đúng – sai”; “thắng – thua”; “tốt – xấu”,…Nếu không nhận thức được sự điên rồ này, một ngày nào đó, con người có thể sẽ tự giết chết chính mình.

Hòa giải mâu thuẫn

Qua nhiều năm hòa giải những mâu thuẫn, càng nhìn thấy điều gì dẫn đến những tranh cãi trong gia đình, điều gì đã dẫn đến chiến tranh giữa các quốc gia, tôi càng tin rằng thậm chí những đứa trẻ tiểu học cũng có thể giải quyết những mâu thuẫn đó. Nếu ta nói với chúng rằng: “Đây là những nhu cầu của hai bên, và đây là những nguồn lực họ có. Con nghĩ chúng ta có thể làm gì để có thể đáp ứng nhu cầu của cả hai?”, thì mâu thuẫn có thể sẽ dễ dàng được giải quyết. Nhưng bi kịch là, chúng ta đã không được dạy để nghĩ đến những nhu cầu của nhau. Thay vào đó, chúng ta lại được dạy cách phán xét, suy diễn, phân tích, dán nhãn lên nhau, và do đó, thậm chí một mâu thuẫn đơn giản nhất cũng trở nên vô cùng khó để giải quyết.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét