Chánh niệm, hay năng lực nhận biết, quan sát và chú tâm một cách tự nhiên mọi hiện tượng bên trong và bên ngoài trong thời điểm hiện tại, là món quà quý giá mà cha mẹ có thể trao cho con. Thay vì xem việc rèn luyện chánh niệm như một bài tập riêng biệt, chúng ta có thể đưa nó vào các hoạt động thường ngày, biến mỗi khoảnh khắc thành cơ hội để con trải nghiệm và phát triển sự tỉnh thức. Mà thật ra việc thường xuyên tỉnh thức và chánh niệm mới là bản tánh hay chức năng nguyen thủy của tâm.
Ngay khi đánh thức con dậy, thay vì vội vàng giục giã, hãy dành vài phút để cùng con cảm nhận thân tâm và không khí buổi sáng. Bạn có thể hướng dẫn con nhẹ nhàng: "Con đang cảm nhận như thế nào ở đôi mắt, ở hai vai, hay ở trong bụng?" " Con nghe xem có những âm thanh gì quanh mình không? Tiếng chim hót, tiếng ba con đang chuẩn bị buổi sáng, hay tiếng xe cộ ngoài đường?" Và bạn để con tự khám phá và chia sẻ những gì mình cảm nhận được. Đây là những gợi ý cho trẻ nhỏ, đừng "định hướng" con phải nghe, thấy, cảm. biết.
Bữa ăn sáng, trưa, chiều đều là thời điểm tuyệt vời để thực tập chánh niệm. Trước khi ăn, cả gia đình có thể cùng dừng lại một chút để ngắm nhìn, ngửi nếm từng món ăn. Khuyến khích con quan sát màu sắc, hương vị, và kết cấu của thức ăn. "Con có thể kể cho mẹ nghe con đang nếm thấy vị gì không?" Việc ý thức và chú tâm vào hành động ăn uống không chỉ giúp thực hành chánh niệm mà còn tốt cho tiêu hóa. Không nhất thiết phải ăn trong im lặng trừ lúc đầu mới thực hành, bởi vì khi gia đình hàn huyên, tất cả vẫn thực hành chánh niệm, tỉnh thức với tất cả ý tưởng đang truyền đạt.
Khi chơi đùa, hãy khuyến khích con tập trung vào hoạt động đang làm. Nếu đang chơi với đất nặn, hãy để con cảm nhận độ mềm, nhiệt độ, và kết cấu của đất. Nếu đang vẽ, hãy để con chú ý đến những đường nét và màu sắc đang hiện ra trên giấy. Quan sát cả các cảm xúc, hình ảnh, và ý tưởng xuất hiện chứ không chỉ cảm giác. Điều quan trọng là không áp đặt hay phán xét, mà để con tự do khám phá và trải nghiệm.
Khi con có những cảm xúc mạnh như giận dữ hay buồn bã, đây là cơ hội quý giá để thực tập chánh niệm. Thay vì vội vàng dập tắt hay phớt lờ cảm xúc của con, hãy giúp con nhận biết sự xuất hiện và biến thiên của cảm xúc đó. Một cảm xúc còn có thể đan xem với nhiều cảm xúc khác nhau. Có thể hỗ trợ con nhận diện cảm xúc qua cảm giác: "Mẹ thấy con đang giận. Con có thể cảm nhận được cơn giận đang ở đâu trong người không? Ở bụng, ở ngực, hay ở đâu?" Việc này giúp con thấy mọi cảm xúc đều là một phần tự nhiên của cuộc sống và dễ dàng kham nhẫn chúng thay vì sau này cứ chạy trốn vào các hành vì tự bại.
Trước khi cả nhà đi ngủ, dành ra 5-10 phút để cùng con nằm yên lặng, lắng nghe hơi thở. Có thể hướng dẫn con: "Hãy đặt tay lên bụng và cảm nhận bụng phồng lên khi hít vào, xẹp xuống khi thở ra." Thậm chí có thể giúp con quan sát và nhận biết các dấu hiệu mình đang chìm vào giấc ngủ. Đây không chỉ là cách thư giãn tuyệt vời mà còn giúp con phát triển khả năng chú tâm và quan sát nội tâm.
Để giúp con phát triển chánh niệm, điều quan trọng nhất là chính cha mẹ phải thực hành chánh niệm. Con cái học nhiều nhất từ việc quan sát và bắt chước. Khi cha mẹ sống chậm lại, quan sát và trân trọng từng khoảnh khắc, con cái tự nhiên sẽ học được cách sống có ý thức hơn.
Chánh niệm không phải là việc ép buộc hay tạo thêm áp lực cho con. Đó là năng lực lẫn tiến trình tự nhiên của tâm trí khám phá và trải nghiệm cuộc sống ở nội tâm lẫn môi trường một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Mỗi đứa trẻ đều có nhịp độ riêng trong việc phát triển khả năng này. Nhiệm vụ của cha mẹ là tạo môi trường và cơ hội để con tự khám phá và phát triển theo cách riêng của mình.
Khi được nuôi dưỡng trong môi trường có chánh niệm, trẻ sẽ phát triển khả năng tự nhận thức, kiểm soát cảm xúc và stress tốt hơn, đồng thời có được nền tảng vững chắc để phát triển lòng từ bi và sự thấu hiểu với bản thân và người khác. Và chắc chắn, chúng ta sẽ có một xã hội bình an và hạnh phúc hơn.
Thầy Lê Nguyên Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét