Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Cốt lõi của Giáo dục Steiner - Những nguyên tắc thực hành trọng tâm

 🌸 Nhìn nhận con người toàn diện.

Điểm cốt lõi nhất của giáo dục Steiner là nhìn nhận con người ở một cái nhìn tổng quan và rộng lớn. Trong giáo dục, cái thấy của chúng ta về cái gọi là “con người” thực sự có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các mục tiêu trong các công việc mà ta làm.

Mục đích thật sự cuối cùng của giáo dục không nằm ngoài 2 chữ “Học làm người”. Con người là một thực thể vô cùng kì diệu. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa khám phá được hết các khía cạnh về cơ thể vật lý của con người. Và cơ thể này là một cơ quan sinh hóa tinh vi nhất trên hành tinh này. Từ lâu, khoa học đã bắt đầu nghiên cứu và nhìn nhận những khía cạnh có tính chất “không nhìn thấy được” của con người.

Và tại thời điểm này, đã đến lúc chúng ta không chỉ nhìn nhận một con người chỉ dựa trên khía cạnh duy vật. Vô cùng cần thiết để đem điều này vào trong giáo dục. Chúng ta cần giáo dục con người không chỉ hướng đến trí tuệ, kiến thức mà còn giáo dục về mặt cảm xúc, đồng thời phải nhìn nhận các giá trị tinh thần tâm linh cao cả ngự trị bên trong mỗi con người.

Ở Việt Nam, khi đề cập đến giá trị tâm linh nó dễ khiến người ta gợi các liên tưởng đến những gì có tính mê tín dị đoan. Thật ra, giá trị tâm linh của một con người nằm ở bản chất cao đẹp, thiêng liêng sâu bên trong họ. Đó là sự công nhận về tính độc nhất, độc lập và cá nhân của chúng ta trong vũ trụ. Và  cũng chính là nơi mà chúng ta mở rộng các khả năng của mình để hòa hợp mình với sự sống không tách rời.

Chúng ta bước ra từ sự thiêng liêng cao đẹp, chúng ta bước đi trong đó, và chúng ta sẽ quay trở về đó. Bằng cách nhìn nhận các giá trị thiêng liêng cao cả sâu trong bản chất của con người, chúng ta xóa bỏ được các rào cản của sự phân biệt, chia cách giữa người với người. Chúng ta gây dựng được sự tôn trọng, kính ngưỡng với tất cả con người và vạn vật. Và một người làm giáo dục cũng phải nhìn thấy điều đó ở những người chúng ta đang muốn giáo dục, rằng tồn tại bên trong họ là những điều thiêng liêng cao đẹp mà chúng ta cần cúi đầu. Chúng ta với tư cách là giáo viên, là cha mẹ, là người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ hay thậm chí là cả xã hội, làm cách nào đó, phải vượt qua được những hình tướng bên ngoài để có cái nhìn sâu sắc về chính đứa trẻ - con người đó. Đó mới là nhiệm vụ chính của người làm giáo dục.

🌸 Thực hiện giáo dục toàn diện: CÁI ĐẦU, TRÁI TIM VÀ ĐÔI BÀN TAY.

Chúng ta có phần Thể chất, Tâm hồn và Tinh thần thì chúng ta cũng có 3 năng lực căn bản để hòa hợp các phần đó, đó chính là Ý chí – Tình Cảm – Suy nghĩ. 3 năng lực đó được biểu thì ở hình ảnh của 3 phần trên cơ thể con người: Tay chân – Trái tim – Cái đầu. Khi thực hiện các công tác giáo dục, chúng ta cần có một sự nhìn thấy các tác động của các vấn đề mà chúng ta đem đến đang đi vào phần nào của trẻ.

Một con người hoàn thiện là con người có được sự rõ ràng trong suy nghĩ, trong sáng trong cảm xúc và vững vàng trong ý chí. Khi chúng ta mang một bài học đến cho trẻ, chúng ta cần bồi bổ cả 3 phần này, chứ không chỉ là những kiến thức liên quan đến đầu óc mà giáo dục ngày nay đang mắc phải.

Ý chí là sự làm việc của đôi bàn tay. Đứa trẻ cần được tham gia, cần được trải nghiệm cuộc sống để có được các bài học thật sự chứ không phải trên sách vở. Đứa trẻ cần được sống trong môi trường có nhịp điệu tốt, thói quen tốt để nuôi dưỡng những hành vi tốt. Và đứa trẻ đôi khi cũng cần nếm trải một ít khó khăn, sự bất toại nguyện, một chút khổ đau để tôi luyện nên ý chí của mình.

Tình cảm là điều chi phối hầu hết đến đời sống của chúng ta . Đời sống tình cảm quyết định sự hạnh phúc hay khổ đau. Tình cảm cần sự ổn định với việc phát triển các cảm xúc lành mạnh. Công việc giáo dục phải lấy vấn đề này làm nền tảng. Những đứa trẻ cần bạn bè, cần tính xã hội, chúng cũng cần nghệ thuật và cái đẹp. Thông qua cánh cổng của cảm xúc, tình cảm, người làm giáo dục có thể khéo léo đưa đến các bài học cho trẻ và cũng là chữa lành cho trẻ.

Suy nghĩ rõ ràng là một điều giá trị bậc nhất trong đời sống của một con người. Không biết cách suy nghĩ thì cho dù xuất phát điểm của một con người có tốt đến đâu thì lối về vẫn tăm tối.Người biết suy nghĩ mới là người có khả năng làm chủ cuộc đời của mình Chúng ta không thể vội vàng trong việc giáo dục suy nghĩ. Nhồi nhét kiến thức là một trong những việc thui chột suy nghĩ. Tuy vậy, đó dường là công việc chính của giáo dục hiện nay. Ngày nay, kết quả giáo dục cho ta những con người rập khuôn lý thuyết. Trong khi, cái chúng ta cần là giáo dục những con người có khả năng suy nghĩ, bằng khả năng đó họ mới khai phá được chính mình và thế giới.

Những công việc làm với tay chân giúp mở mang đầu óc. Những công việc với tình cảm hài hòa các thái cực bên trong con người. Những công việc đầu óc khai phá lối cho trái tim và tay chân làm việc mạnh mẽ và tuyệt vời hơn. Chúng ta không thể giáo dục đúng đắn mà tách rời các phần này với nhau. Và bạn sẽ thấy điều này đậm chất trong mọi khía cạnh của giáo dục Steiner-Walodorf.

🌸 LÀM ĐIỀU ĐÚNG VÀO THỜI ĐIỂM ĐÚNG: Giáo dục dựa trên sự phát triển của trẻ.

Làm sao biết điều gì là đúng? Và làm sao biết thời điểm nào là đúng? Để giải quyết được các nghi vấn đó, giáo dục Waldorf – Steiner đem đến một hệ thống nền tảng triết lý về sự phát triển của trẻ qua các độ tuổi. Những giáo viên, cha mẹ, những người làm việc với trẻ cần phải nắm bắt các kiến thức này để làm xương sống cho quá trình giáo dục của mình.

Dù mỗi con người là một cá thể riêng biệt, tuy nhiên, xét trên khía cạnh hệ thống có những quy luật trong sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý của con người theo từng giai đoạn cụ thể. Xã hội thông thường cũng nhìn nhận con người trưởng thành vào những năm 21 tuổi, thì trong giáo dục Steiner cho thấy rõ về sự phát triển của tư duy, nhận thức. Trước 21 tuổi là giai đoạn mà những gì có thể tác động được đến 1 con người thông qua cái gọi là giáo dục. Tuy nhiên, sau 21 tuổi thì sự giáo dục là sự Tự giáo dục. Từ 0-21 tuổi, giáo dục con người chia làm 3 giai đoạn:

0-7 là sự phát triển của cơ thể vật lý.

7-14 là sự phát triển của tình cảm, cảm xúc.

14-21 là sự nở rộ của tư duy và suy nghĩ.

Bằng cách nắm bắt sự phát triển của trẻ một cách rõ ràng, chúng ta có các chỉ dẫn để có thể làm việc với trẻ một cách phù hợp. Tư duy là năng lực quan trọng bậc nhất của con người, thông qua tư duy con người có thể mở mang mình đến những mức độ cao nhất. Tuy nhiên, để hướng đến việc có được năng lực này vững vàng con người đó cần có một đời sống

🌸 Tự do trong dạy và học.

Giáo án của người giáo viên chính là những đứa trẻ. Công việc dạy và học luôn đến từ hai phía thầy và trò: cả hai cùng nhau bước đi trên con đường phát triển. Những gì mà người giáo viên mang đến cho những đứa trẻ của mình không phải từ một hệ thống kiến thức, kỹ năng ràng buộc nào mà chính từ sự thấu hiểu của họ về giai đoạn phát triển đó và đứa trẻ đó. Không có những cuốn sách giáo khoa, không có những bài giảng rập khuôn, người giáo viên được tự do trong việc dạy của mình. Tuy vậy, đó là một sự tự do đầy trách nhiệm, người giáo viên phải làm việc với chính mình mỗi ngày, nâng cao phẩm chất, tri thức và sự thấu hiểu của mình để có thể mang đến cho trẻ những điều tốt đẹp nhất. Đấy là ràng buộc duy nhất, ràng buộc tự thân bên trong người giáo viên. Cách người giáo viên làm việc trong cuộc đời, với công việc, với đồng nghiệp với những học trò là hình ảnh về con người với các phẩm chất cao đẹp. Một người giáo viên, bản thân anh ta, chính là bài học lớn nhất với trẻ.

Trong quá trình dạy dỗ, người giáo viên luôn có các cách thức sáng tạo để mang đến các bài học cho trẻ. Đứa trẻ luôn cảm thấy mình được thoải mái, mạnh khỏe. Đặc biệt, người giáo viên tốt là người không bao giờ kết luận các vấn đề gì, họ đã dẫn dắt và họ để vùng tự do kết luận đó cho những đứa trẻ. Họ để lại một nơi - ở đó những đứa trẻ thể hiện tính cá nhân của mình. Đó là sự tinh tế trong quá trình làm việc để có được những con người tự do trong suy nghĩ.

🌸 Gìn giữ truyền thống, văn hóa và bản sắc dân tộc.

Nền giáo dục Steiner – Waldorf hiện tại đã có mặt ở hơn 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, đến với bất kì nền văn hóa nào, nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục Steiner - Waldorf cũng là cần hòa hợp với nền văn hóa đó. Truyền thông, văn hóa và bản sắc của dân tộc là tính cá nhân ở góc độ rộng lớn hơn, do đó, nó cũng là phần thiêng liêng cần được tôn trọng và giữ gìn. Một nền giáo dục thích hợp là một nền giáo dục mở mang được dân tộc mà không làm mất đi các bản sắc dân tộc.

TÔI CHẮC CHẮN, CÔNG VIỆC LÀM ĐẬM BẢN SẮC TRUYỀN THỒNG VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG GIÁO DỤC STEINER LÀ MỘT VIỆC LÀM CẦN NHIỀU THỜI GIAN. NÓ ĐÒI HỎI MỘT SỰ THẤM ĐẪM BÊN TRONG MỖI CON NGƯỜI RẰNG CÁI GÌ LÀ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC TÔI? TÔI BIẾT, TRÊN KHẮP ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM, RẤT NHIỀU CÁC GIÁO VIÊN STEINER – WALDORF ĐANG MIỆT MÀI NGHIÊN CỨU NGÀY ĐÊM ĐỂ CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU TUYỆT VỜI ĐÓ. GIÁO DỤC STEINER ĐẾN GÕ CỬA, BUỘC CHÚNG TA PHẢI NHÌN NHẬN LẠI CÁC GIÁ TRỊ CỦA CHÍNH MÌNH HƠN LÀ CHẠY THEO XU HƯỚNG SÍNH NGOẠI. TRUYỀN THỐNG, VĂN HÓA VÀ BẢN SẮC LÀ GỐC RỄ, LÀ CỘI NGUỒN CỦA MỖI CON NGƯỜI. KHÔNG BIẾT CÁCH QUAY VỀ VỚI GỐC RỄ SẼ BIẾN CHÚNG TA THÀNH NHỮNG ĐỨA CON HOANG LẠC. GIỮ ĐƯỢC BẢN SẮC CỦA DÂN TỘC LÀ GIỮ ĐƯỢC BẢN SẮC CỦA CHÍNH MÌNH, TỪ ĐÓ MÀU SẮC VÀ HƯƠNG THƠM RIÊNG BIỆT CỦA CHÚNG TA MỚI TỎA RẠNG.

Nguồn: Cô Hien Dinh 

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Sống Kỷ Luật

Nguồn: Cá Chép Phương Đông

Hãy sống như một người hết thời, bạn sẽ tránh được rất nhiều tai họa và có được một số mệnh vững vàng. 

Người hết thời là người không có tiền, không có sức khỏe, không có sự hưởng thụ, cuộc sống tù túng chật chội và thu mình ở ẩn. 

Khi hết thời cuộc sống của người có phúc sẽ xoay chuyển để bản thân phải ẩn mình và quay ngược lại vào bản thân để giữ mạng sống. Nhưng người có đại phúc thì không đợi tới hết thời mới sống như vậy, mà là tự chủ động điều khiển bản thân và số mệnh của mình sống gói gọn và tập trung xây dựng bản thân. 

Sống như một người mang bệnh, ăn uống điều độ, tiết chế và tập luyện thể chất. 

Sống như một người nghèo, không xài tiền hưởng thụ, không ăn ngon, không mặc đẹp và tiết kiệm. 

Sống như một người thất bại, âm thầm làm việc, âm thầm học tập, âm thầm tiếp thu trí tuệ từ đời sống. 

Sống như một người bị hại, bị phản bội là tự thu mình cắt đứt những mối quan hệ không mang lợi ích, không giao du, không gặp gỡ, chỉ kết nối với những người giúp đỡ hoặc chỉ dạy mình. 

Sống trong một cuộc sống lặp đi lặp lại đơn điệu nhưng đó là kỉ luật, ngày qua ngày đều chỉ làm những công việc đã được lên kế hoạch sẵn, giống như ở tù, giống như bị giam cầm.

NGƯỜI HẾT THỜI và NGƯỜI SỐNG KỈ LUẬT đều có hình thức giống nhau, nhưng một bên là tích cực, một bên là tiêu cực.

Người không có trí tuệ, không có phúc thì mới đợi có bệnh mới bắt đầu ăn uống tiết chế và đi tập luyện thể dục, nhưng lúc này là uống thuốc và tập vật lý trị liệu.

Người không có trí tuệ, không có phúc thì mới đợi phá sản hết tiền mới bắt đầu tiết kiệm, bắt đầu quản lý chi tiêu.

Người không có trí tuệ, không có phúc thì mới đợi bị người khác hại mới biết chọn lọc bạn bè và học cách nhìn người kết giao.

Người không có trí tuệ, không có phúc thì mới đợi tới khi thất thế, bất lợi thì mới bắt đầu đi học, đi trau đồi bản thân.

Người không có trí tuệ, không có phúc thì mới đợi có biến cố rồi mới chịu thức tỉnh.

Cảm giác tập luyện thể dục sẽ rất mệt mỏi và khó chịu, nhưng còn tốt hơn là cảm giác uống thuốc, điều trị bệnh và phải bỏ tiền để lấy lại sức khỏe.

Quan trọng là bạn muốn bản thân trải qua cảm giác gì và câu chuyện nào.

Can đảm với chọn lựa sống của chính mình thôi.


Nhảy Thực Tại và Bạn Tỉnh Thức Đến Đâu?

 Nhảy thực tại 

Gần đây có một bài viết về đề tài giác ngộ, trong đó có một ý nói rằng “mọi việc không có đúng không có sai, bạn chỉ cần không phản ứng gì với nó, bởi vì mọi thứ đang hoàn hảo và bạn cũng đang hoàn hảo dù bạn đang ở bất cứ trạng thái nào. Bạn đã hoàn hảo rồi và vì vậy đừng phản ứng gì cả, hãy ngừng tìm kiếm.” 

Bài viết sẽ cho mọi người cảm giác minh triết, giác ngộ như những lời dạy của Đức Phật. Nhưng mình cảm thấy nó lấn cấn ở đâu đó và tự hỏi bài viết có chỗ nào bất ổn không, mà nếu có thì nó bất ổn ở chỗ nào. Điều đó làm mình suy nghĩ mãi, cho đến khi nhận ra rằng: 

Bài viết nói đúng một phần sự thật, nhưng sẽ không đưa họ đến giác ngộ hoàn toàn để trở thành một sinh mệnh tham gia vào HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO với VŨ TRỤ, mà chỉ là chấp nhận mọi hoàn cảnh và ngưng cố gắng, ngưng hoàn thiện, ngưng tiến hóa lên một phiên bản cao hơn để trải nghiệm phong phú và sâu sắc hơn. 

Bài viết đó có một phần đúng, và một phần sẽ kìm hãm khả năng sáng tạo thực tại, khả năng hoàn thiện chính mình, khả năng phân biệt tốt xấu đúng sai, phù hợp hay không phù hợp, khả năng lựa chọn và phản ứng với hoàn cảnh. 

Mỗi người có thể tự lựa chọn với nhiều tùy chọn khác nhau. Tùy chọn chấp nhận, không phản ứng cũng là một trong số những tùy chọn mà bạn đang có. 

- Phản ứng tiêu cực hay dựa trên bản ngã, những nhận thức giới hạn và tổn thương trước đây

- Chỉ quan sát, không phản ứng, chấp nhận, hoặc bỏ mặc, bỏ lơ không quan tâm không can thiệp 

- Quan sát sâu và tìm ra các khía cạnh sâu hơn, bức tranh toàn cảnh của vấn đề rồi lựa chọn phương án tối ưu nhất để hành động, để thay đổi một số yếu tố trong thực tại đó, từ đó hoàn cảnh cũng thay đổi 

Dù lựa chọn là gì thì cũng có thể linh hoạt trong từng tình huống và hiểu rằng các lựa chọn khác nhau sẽ dẫn đến các thực tại khác nhau. 

Ví dụ trong một mối quan hệ xung đột với người thân: 

- Họ phàn nàn chỉ trích, mình bực bội cáu gắt, có thể cãi nhau hoặc xung đột

- Họ phàn nàn chỉ trích, mình im lặng quan sát không phản ứng, hoặc lơ đi, không quan tâm 

- Họ phàn nàn chỉ trích, mình quan sát xem vấn đề chính xác nằm ở đâu, và cảm thông, hỏi họ có ổn không, tìm ra sự bất ổn và khó khăn của họ. Biết đâu mình đang sai sót cần thay đổi, biết đâu mình thiếu tinh tế và thiếu sự hợp tác để họ bị khó chịu hay tổn thương, biết đâu họ đang rối và cần mình giúp họ bớt áp lực cũng như nhìn ra cách giải quyết những vấn đề giúp họ.   

Trường hợp một, biết đâu là thử thách bản lĩnh tâm linh của mình, trường hợp hai biết đâu thử thách sự chánh niệm và bình an trong mình, trường hợp ba biết đâu là thử thách sự sáng tạo để tìm ra giải pháp tối ưu thoát khỏi vòng lặp cho cả người đó và của mình. 

Trong một số trường hợp, tập nghĩ và nhìn nhận sâu xa để tìm giải pháp là một thói quen tốt, thay vì chạy trốn và nghĩ mọi thứ đã hoàn hảo rồi. Trong một số trường hợp khác, chỉ là thử thách tâm chánh niệm và vượt lên các dính mắc, thì lúc đó không làm gì, không phản ứng lại là một lựa chọn tối ưu hơn. 

Theo mình được chỉ dẫn, trên thế giới hiện có 7 thực tại chính mà mỗi người có thể ở vào 1 trong 7 thực tại đó, hoặc di chuyển qua lại giữa các thực tại. Như ví dụ trên thì có thể hiểu như là có: 

- (1) thực tại chúng ta và người thân đó sẽ trở nên xung đột gay gắt; 

- (2) thực tại khác thì xung đột vừa; 

- (3) thực tại khác nữa thì đường ai nấy đi, thân ai nấy lo, chẳng ai thèm quan tâm đến nhau nữa nên những sự tiêu cực của họ mình cũng không tiếp nhận; 

- (4) thực tại khác thì cả hai không tiêu cực với nhau nhưng xa cách về mặt tình cảm; 

- (5) thực tại khác là vừa thương vừa giận đan xen; 

- (6) thực tại khác là thấu hiểu nhau, hòa giải và cả hai dần tìm thấy bình an; 

- (7) thực tại khác nữa là hai người trở nên minh triết hơn, yêu thương hơn, thấu hiểu hơn, cảm thông nhiều hơn và trở thành tri kỷ của nhau, cuộc sống khi có nhau rất là viên mãn. 

Để có thể nhảy lên thực tại cao hơn, đòi hỏi một người cần có đủ tần số, nhận thức cao hơn, và khả năng biến những nghịch cảnh trở thành thuận cảnh, biến bất hòa thành thấu hiểu yêu thương và động lực cho sự hoàn thiện chính mình. 

Dù bạn chọn là gì, hay lựa chọn phản ứng lại như thế nào, không phản ứng cũng là một sự lựa chọn trong đó. Không nỗ lực cải thiện và không lựa chọn tiến hóa cũng là một lựa chọn. Mỗi lựa chọn đều là một trải nghiệm vô giá mà linh hồn cần có, chỉ cần bạn ý thức được rằng, còn nhiều lựa chọn và nhiều thực tại dành cho bạn hôm nay.

❤️‍🔥

Hôm qua mình đọc được câu này: 

“Người thành công thì luôn tìm cách, người thất bại luôn tìm lý do. 

Sự lười biếng có thể khiến bạn hạnh phúc nhất thời nhưng cũng khiến bạn hối hận suốt đời. 

Người thành công thường là những người chủ động tìm ra giải pháp cho các thử thách mà họ gặp phải. Họ không né tránh hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà thay vào đó, họ tìm cách để vượt qua, học hỏi từ những sai lầm và không ngừng cải thiện bản thân.” 

Đọc những dòng này mình nhìn lại hành trình của mình trước đây từ lúc tổn thương nặng nề về cảm xúc gần 10 năm trước, sống với tâm thế nạn nhân và thất bại, phải mất bao lâu mình mới có thể giành lại sự chủ động trên hành trình tiến hóa thay vì dậm chận tại chỗ hay đi thụt lùi. Cũng phải rất lâu mới có thể vượt qua được bóng tối linh hồn để thấy điểm sáng, niềm vui và hy vọng trên hành trình sắp tới. Nên nếu bạn đang ở thực tại mà bạn thấy chưa ổn, hãy yên tâm rằng có rất nhiều thực tại tốt hơn đang dành cho bạn, nhưng hãy hiểu rằng, thực tại hiện tại ẩn chứa rất nhiều món quà quý giá để giúp bạn hoàn thiện hơn chính mình. 

À, Đức Phật bận rộn lắm luôn á, ngài không phải ngồi không đâu! 

✨✨✨✨✨✨

Nhân đây mình cũng muốn giới thiệu bài viết Bạn đang tỉnh thức đến đâu trên blog của Maya Healing. 

BẠN ĐANG TỈNH THỨC ĐẾN ĐÂU? 

- Thức tỉnh là một trạng thái của linh hồn, là trở thành phiên bản tiến hóa hơn của chính mình. Cũng là hành trình giác ngộ rất nhiều lần ở cùng một vấn đề nhưng với khía cạnh cao hơn, sâu hơn, đủ đầy hơn. Người tỉnh thức thật sự sẽ không trốn tránh bất cứ vấn đề nào. Họ biết họ cần phải đối diện để trưởng thành.

- Người tỉnh thức không phải là biết nhiều hơn ai, họ chỉ biết rõ hơn về chính mình... Cảm xúc mà người khác khó kiểm soát, họ làm chủ được. Chấp niệm mà người khác khó buông bỏ, họ buông được. Nghịch cảnh người khác khó vượt qua, họ đối diện được. Họ sẽ nhanh chóng lấy lại cân bằng trong mọi biến cố.

- Những bài học cho người tỉnh thức không những không ít đi, ngược lại càng khó hơn, càng nhiều hơn, liên tục hơn. Họ như học sinh lớp tuyển, luôn phải sẵn sàng để giải đề thi khó. Bản lĩnh ngộ ra bài học và điều chỉnh nhanh giúp cuộc sống của họ có nhiều khoảng trống để vui vẻ và an lạc.

- Những thứ mà mọi người xem là vấn đề, đối với họ chỉ còn là chuyện nhỏ. Vậy nên, họ sẽ không khiến bản thân bị cuốn vào vòng lặp của ai hoặc trì hoãn quá lâu trong bài học của mình. Nhưng họ cũng không tự phụ, không xem thường ai. Vì họ đã đi qua và hiểu chúng đã từng khó khăn đến mức nào.

- Người tỉnh thức, họ đều hiểu mỗi khó khăn là bài học, mỗi thử thách là thí luyện, mỗi biến cố là sự kiểm tra mà vũ trụ sắp đặt. Chỉ khi có nhận thức đúng đắn và dám đối diện vấn đề thì mới vượt qua được. Đổ lỗi hay gây nghiệp lên bất kỳ ai sẽ chỉ khiến bản thân lún sâu hơn trong vòng lặp và nghịch cảnh đó. 

- Với người tỉnh thức, tâm chánh niệm là cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng, trí thấu suốt là chìa khóa tháo gỡ mọi vấn đề và thân lành mạnh là phương tiện sáng tạo cuộc sống. Họ tự trao quyền tự do ý chí và tận hưởng cuộc đời theo mọi cách. Biết trân trọng chính mình và sinh mệnh khác. Bạn làm được đến đâu rồi?

✨ 

Nguồn: Trò chuyện cùng Chân Ngã (Lily Garden)

AURA & MAYA healing