Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

7 thói quen hiệu quả

 Tác giả: Đặng Hoàng Trung

Chia sẻ dưới đây của tôi là hiểu biết chủ quan của tôi về "7 thói quen" mà Stephen Covey đã chia sẻ để mỗi người có thể trở nên "highly effective". Rất hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp. :-P 

image

 Thói quen 1, tiếng Anh là Be proactive. Dịch đúng ra thì thói quen này có nghĩa là: Hãy luôn hiện hữu ở thể chủ động hay Hãy trở về sống với “ông chủ” – bản chất chủ động của mỗi người. Nhưng vì trong tiếng Việt, từ chủ động hay bị hiểu thành năng động, rồi thành tăng động theo kiểu hướng ngoại, nên có thể diễn đạt Thói quen số 1 là: thói quen về thái độ chủ động nhận lãnh trách nhiệm của bản thân. Cụ thể, nếu cuộc sống mình có khó khăn gì, thì vượt qua những khó khăn ấy chính là trách nhiệm của bản thân mình. Và nếu mình có khát khao chính đáng nào cho bản thân và cho người khác, thì cũng chính bản thân mình phải nhận lãnh trách nhiệm biến khát khao thành hiện thực. 

Một trong những khát khao lớn nhất của loài người và có ý nghĩa nhất cho loài người là trả lời được câu hỏi: Tôi sống trên đời này vì mục đích gì? Thói quen 2 liên kết với Thói quen 1 ở điểm này.

 Thói quen số 2, tiếng Anh là Begin with the end in mind. Đây là thói quen về thấu hiểu mục đích và kết quả cuối cùng trước khi hành động. Với bất kỳ hoạt động nào ta cũng phải cần hiểu rõ vì sao ta làm việc đó, làm việc đó giúp ta giải quyết được vấn đề gì, giá trị của việc làm này là gì? Và với bất kỳ hoạt động nào, ta cũng cần hình dung kết quả mà ta mong đợi khi ta hoàn thành hoạt động đó là gì.

 Thói quen này chú trọng giải quyết câu hỏi: Tôi sống trên đời này vì mục đích gì?, và từ đó, chú trọng việc xác định sứ mệnh của bản thân, và việc viết ra tuyên ngôn về sứ mệnh của bản thân để làm kim chỉ nam, làm ánh sáng dẫn đường cho mọi hành động trong cuộc sống. 

Thói quen số 3, tiếng Anh là Put first things first. Đây là thói quen về việc sắp xếp ưu tiên các công việc trong cuộc sống. Điều cốt lõi của thói quen này là phải xác định được đâu là “first things”, tức những việc quan trọng hàng đầu để mà ưu tiên cho nó. Thói quen 3 liên kết với Thói quen 2 ở điểm này. 

Việc quan trọng hàng đầu (first things) phải là những việc gắn với sứ mệnh của bản thân. Hay nói cách khác, đó là những việc mà khi ta làm, nó đưa ta gần hơn với đích đến mà ta đã xác định trong sứ mệnh của bản thân, giúp ta hiện thực hóa thêm một phần sứ mệnh của mình.

 Sau khi đã xác định được “first things” rồi thì công việc còn lại là ưu tiên thực hiện những việc quan trọng hàng đầu này. Có rất nhiều kỹ thuật, công cụ hỗ trợ việc này, nhưng suy cho cùng, công cụ hữu hiệu nhất là 1 quyển sổ tay để viết ra những first things nào phải làm trong tuần, và trong ngày, và viết ra trong một khung cảnh tập trung, tĩnh lặng

 3 thói quen 1-2-3 này là 1 trụ kiềng ba chân giúp một người phát triển bản thân, chuyển đổi trạng thái từ “Lệ thuộc” sang “Độc lập”. Thế nhưng, bản chất của thế giới này là tương thuộc, tương liên, và không một cá thể nào có thể tồn tại thực sự độc lập khỏi cá thể khác. Do vậy, chỉ ở trạng thái “Độc lập” thôi là chưa đủ, mà một người cần phải tiến đến trạng thái “Tương thuộc tương liên” với các cá thể và môi trường xung quanh. Để làm được việc này, họ cần có những thói quen 4-5-6. 

image

 Thói quen 4, tiếng Anh là Think win-win. Đây là thói quen về nhận thức, về thái độ sống, về niềm tin rằng: Thế giới quả là rộng lớn và các nguồn lực từ Tạo Hóa luôn đủ đầy cho tất cả mọi người. Thế nên, đừng cạnh tranh, giành giật hơn thua, mà cùng nhau sử dụng những tạo vật từ Tạo hóa một cách bền vững nhất. Thói quen 4, suy cho cùng, vẫn nằm trong phạm vi nhận thức của mỗi cá nhân. Để biến nhận thức này thành hành động cụ thể, một người sẽ cần thêm Thói quen 5 và 6. Thế nhưng, cũng cẩn trọng với thói quen này để không sa vào tà đạo, hoặc dùng "Think Win-Win" để mị dân, lừa mình, lừa người. Gandhi từng nói, "luôn có đủ cho nhu cầu của bạn, nhưng không bao giờ là đủ cho lòng tham của bạn". Bao giờ cũng vậy, cái "win" của mình, và của người phải trên nền tảng của chân-thiện-mỹ thì mới đúng.

 Thói quen 5, tiếng Anh là Seek to understand then to be understood. Đây là thói quen về việc đạt được sự thấu hiểu, thấu cảm lẫn nhau giữa các đối tượng. Bản thân thói quen này có 2 vế, là mối quan hệ nhân quả với nhau. Để người ta hiểu mình, mình phải nhận lãnh trách nhiệm hiểu người khác trước, chứ không phải đòi hỏi người khác phải tự động hiểu mình.

 “Seek to understand” là một quá trình nỗ lực để thấu hiểu người khác, có thể bằng nhiều cách như tìm hiểu hoàn cảnh của họ, hỏi thăm thông tin liên quan, nhưng trực tiếp nhất là “lắng nghe” từ đối phương để hiểu đối phương. Khi lắng nghe, thì cần “lắng”, nghĩa là lắng lòng lại, lắng những tư duy lao xao trong đầu lại, lắng những ham muốn tranh cãi hơn thua lại, để mà “nghe” không chỉ bằng tai mà còn bằng mắt, bằng trái tim, để mà “nghe thấy như thật”, để mà “hiểu biết như thật”. Khi lắng nghe cũng cần ghi nhớ là nghe ko chỉ để mà nghe, mà còn tìm cách gợi ý sao cho người nói được nói ra hết nỗi lòng của họ. 

Hiểu rồi thì trên nền tảng đó, hãy trình bày quan điểm của mình sao cho người khác hiểu đúng ý mình. Điều này đòi hỏi sự cẩn trọng khi đắn đo cân nhắc cách truyền đạt, nội dung truyền đạt... và cũng đòi hỏi sự mạnh mẽ, quyết đoán để có thể dám nói ra những lời thật mà khó nghe, những lẽ đúng mà dễ mất lòng, khi cần thiết. Và khi nói cũng cần ý thức để đưa người nghe về đúng trạng thái lắng nghe khi cần thiết nữa. 

Thói quen số 5 còn bàn về việc phải hiểu trước khi hành động, phải hiểu trước khi làm. Ở điểm này, thói quen 5 liên kết chặt chẽ với thói quen 1 và 2.

 Điều khó nhất của thói quen thứ 5 là "lắng nghe sâu". Thế nào là "sâu"? Kết quả của quá trình lắng nghe sâu này là những nỗi lòng thầm kín được thổ lộ ra cùng nhau, được bày tỏ cùng nhau để được thấu hiểu sâu. Lắng nghe cỡ nào mà ko có được sự thổ lộ nỗi lòng này thì cũng đều chưa sâu, còn ở kỹ thuật, chưa thấu cảm thật sự.

 Thói quen 6, tiếng Anh là Synergize. Đây là thói quen về việc tôn trọng điểm khác biệt của người khác và tận dụng điểm khác biệt của mỗi người để bù khuyết cho nhau, để khi tất cả cá thể gắn kết thành một tập thể, thì sức mạnh cộng hưởng của tập thể này sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với tổng sức mạnh của từng cá thể riêng lẻ. Bên cạnh tôn trọng sự khác biệt còn là chấp nhận điểm khiếm khuyết của nhau và dám đóng góp để người đồng đội phát triển. 

Việc phân chia trình tự 3 thói quen 4-5-6 chỉ mang ý nghĩa tương đối chứ không phải tuyệt đối là thói quen 4 phải trước 5, và thói quen 5 phải trước 6, mà cùng một thời điểm, về mặt nhận thức, tư duy, thái độ, một người vẫn cần tự nhận thức được nội hàm của 3 thói quen 4-5-6, và khi hành động, thì tùy hoàn cảnh mà vận dụng những nội hàm này sao cho linh hoạt và phù hợp. 

Với 3 thói quen 4-5-6 được rèn luyện trên nền tảng của 3 thói quen 1-2-3, một người có thể đạt được trạng thái sống hòa hợp và hành động hiệu quả trong bất kỳ môi trường nào họ hiện diện. 

Sau cùng, Thói quen 7, tiếng Anh là Sharpen the saw, là thói quen về sự phát triển bản thân liên tục ở 4 khía cạnh: thể chất, trí tuệ, tình cảm, và tâm linh. Con người được xem là tổng hòa của 4 yếu tố này, và sự phát triển bản thân liên tục phải là sự phát triển hài hòa, cân bằng của cả 4 yếu tố ấy.

 Lời kết: Đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở 7 thói quen là tất cả đều bắt đầu bằng một động từ. Thế nên, “7 thói quen” không phải là một thứ trang sức tri thức để đi "chém gió" với người khác điều mà mình chưa thật sự sống. Trái lại, “7 thói quen” là kim chỉ nam để sống, để rèn luyện, và để chia sẻ những trải nghiệm sống, trải nghiệm rèn luyện của bản thân, và giúp người khác hiểu để họ sống và rèn luyện cho bản thân họ.

Cập nhật 18.12.2022


7 thói quen chung quy chỉ là 1 thói quen thôi, chứ không phải 7, thói quen đó chính là Thói quen 1 - Be Proactive mà theo cách dịch của mình là "Dám nhận lãnh Trách nhiệm và Tiên phong", còn 6 thói quen còn lại chỉ là những biểu hiện đi kèm.

Vì "Dám nhận lãnh Trách nhiệm và Tiên phong" nên phải hình dung rõ kết quả mong đợi trước khi làm, hình dung rõ đích đến trước khi đi... và trong đó hình dung rõ kết quả cuộc đời này trước khi lìa đời --> nhờ đó làm rõ Sứ mệnh, Lẽ sống... của bản thân rồi xem đây là kim chỉ nam để lựa chọn những mảnh ghép khác cho cuộc sống như công việc, hôn nhân, cách sống... Những điều này tạo nên thói quen 2. Mặt trái của thói quen 2 là sự mù quáng đi theo mục tiêu đã đặt ra mà kém linh hoạt.

Sau khi có được Đích đến mong đợi thì biết cách ưu tiên làm những gì giúp đạt được đích đến này, nhờ đó chủ động sử dụng thời gian hữu hạn một cách có ý thức, có chủ đích chứ không bị cuốn theo chiều gió. Các mục tiêu quan trọng giờ không chỉ giới hạn trong ngữ cảnh công việc hay cá nhân mà xét theo VAI TRÒ. Mỗi người có nhiều vai trò quan trọng trong đời, mỗi vai trò cần được hoàn thành để cảm thấy viên mãn, vậy thì nếu chỉ có THE ONE THING mà giúp hoàn thành vai trò, thì đó là chuyện quan trọng cần ưu tiên. Và kỹ thuật để ưu tiên là cho việc quan trọng đó vào ngay trong lịch của ngày, của tuần để những chuyện vặt, phát sinh khác không chiếm lĩnh. Đây chính là thói quen 3. Và tương tự thói quen 2, mặt trái của nó là sự mù quáng và cứng nhắc theo kế hoạch mà thiếu sự tỉnh táo linh hoạt.

Thói quen 4-5-6 thật ra là 1 thói quen lớn, là mong muốn cùng hợp tác với người khác. Thói quen 4 là cái muốn khởi nguồn, thói quen 5 là kỹ năng giao tiếp để 2 bên thấu hiểu và kết nối, còn thói quen 6 là tiêu chí để tạo ra một giải pháp, cách làm hay kết quả tốt hơn.

Thói quen 7 nhắc cần làm mới bản thân ở nhiều khía cạnh: thân thể, tình cảm, trí tuệ và tinh thần hay tâm linh.

Như vậy, những thói quen 2-3-4-5-6-7 thật ra là sự biểu hiện của tính Trách nhiệm và Tiên phong ở các khía cạnh khác nhau của cuộc sống mà thôi.

Làm gì để hạn chế cho mặt trái là sự theo đuổi mù quáng, thiếu linh hoạt các mục tiêu thì trong 7 thói quen không đề cập rõ. Và đây là điểm mỗi người cần tỉnh táo lựa chọn cho mình. Điểm hạn chế này cũng bộc lộ qua việc xem "chất lượng mối quan hệ" là yếu tố tiên quyết để có một cuộc đời thành công và hạnh phúc. Yếu tố này quan trọng chứ không phải không, nhưng ngoài "chất lượng mối quan hệ" ra thì còn một yếu tố khác cũng quan trọng không kém là thực hành lối sống Chánh Niệm-Tỉnh Giác mỗi ngày. Cái này thì không kỳ vọng 7 thói quen đề cập, nhưng nếu không có thì dễ rơi vào sự dính chấp mù quáng vào những gì đã được lập trình. 

Trách nhiệm, tiên phong và chất lượng mối quan hệ là điểm mạnh của 7 thói quen, và nếu xây dựng được 3 yếu tố này thì đời cũng khác nhiều rùi. Nhưng cần thêm sự Chánh Niệm-Tỉnh Giác để biết rõ cả đích đến lẫn quá trình, và linh hoạt ứng biến phù hợp.

Nhìn chung, như Stephen Covey nói, 7 thói quen không lỗi thời vì nó dựa trên những nguyên lý vượt không gian và vượt thời gian. Thế giới càng nhanh, càng loạn những những cái nền tảng của 7 thói quen vẫn càng cần thiết. Chỉ cần bổ sung thêm yếu tố Chánh Niệm-Tỉnh Giác để trọn vẹn hơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét