Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Vô Sân

Vô sân là trạng thái không nóng nảy, không giận giữ, không hận thù, không phẫn nộ, không hờn trách.

Tại sao phải đạt tới Vô Sân?

Bởi vì Sân thuộc Tam độc (tham, sân, si) là gốc rễ khiến chúng ta bị chìm đắm, cột chặt trong sinh, tử, luân, hồi. Với người tu, sân hận khiến hành giả mất phước, tổn hại nguyên khí, mất hết công đức tu tập.

Ngược lại trong Kinh Thập Thiện có viết, người nào ‘’không nổi tâm sân, thì tâm không phiền não,..thân tướng trang nghiêm được chúng sinh tôn kính, và vì có đức nhẫn nhục nên sẽ được mau sinh lên cõi Trời Phạm Thiên’’.

Vậy có thể đạt tới Vô Sân khi ta còn đang sống trong cõi Ta Bà này không?

Lần đầu tiên khi bước tới dãy Hymalaya, con đã cảm thấy vô cùng chấn động, không phải vì cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hay năng lượng cao, mà bởi sự hồn hậu của con người nơi này. Giống như Thánh Đức Lạt Ma XIV thường kể: Mẹ tôi là một người phụ nữ ít học, lúc đầu bà không biết chữ, về sau bà tự đọc được ít sách. Bà là người thầy đầu tiên dạy tôi về lòng từ bi. Bà rất dịu dàng, luôn nở nụ cười trên môi…

Thật vậy, mặc dù những người phụ nữ ở trên rặng Tuyết Sơn không hề có một cuộc sống tiện nghi, không được hưởng nền giáo dục cao (rất nhiều người còn không thể tự viết được họ tên mình),

nhưng ở họ toát lên một nét đẹp bình thản. Họ không cãi cọ, không chì chiết, to tiếng với chồng con. Trên gương mặt luôn là nụ cười hiền từ, khi có chuyện không hay xảy ra họ coi đó là nhân duyên nghiệp báo phải trả và hoan hỉ chấp nhận 🙏🏻

Họ dạy cho ta một bài học vô giá rằng: Nhẫn nhục sinh an lạc!

Vậy điều gì có thể trị được Sân?

Phương pháp tối thượng để điều trị tận gốc tánh Sân là tình yêu thương và lòng từ bi!

Khi có lòng từ bi, bạn sẽ thấy mọi người ai cũng có nỗi khổ, ai cũng đang phải chịu đựng và khi tâm bạn lớn, bạn sẽ bao dung với tất cả những nỗi khổ, niềm đau, với những hận thù, toan tính.

Nhưng nếu tâm tôi chưa đủ rộng thì sao? Vậy có 3 cách sau có thể giúp bạn đối trị với lòng sân hận.

1. Hãy nghĩ đến hậu quả khi bạn bộc phát sự nóng tính, phẫn nộ của mình. Thông thường khi đang cáu giận, thân khẩu ý của chúng ta sẽ bị mất kiểm soát, và do đó sẽ gây ra rất nhiều quyết định sai, lời nói tổn thương.

“Đừng làm gì khi bạn tức giận, có ai giăng thuyền ra khơi khi bão tố hay không?”

2. Hãy chọn một đối tượng mà bạn hay cáu giận với họ nhất. Sau đó đặt mục tiêu rằng dù họ có làm gì, nói gì, hành động thế nào bạn cũng nhất định sẽ không tức giận. Tuy khó nhưng nếu bạn có thể thực tập và thành công với đối tượng này thì chắc chắn sự nóng tánh, sân hận của bạn sẽ giảm và mất đi.

3. Nghĩ đến những an lạc mà bạn nhận được khi không nổi sân

Cổ nhân có câu, nhịn được cái tức một lúc, tránh được mối lo trăm ngày. Người có thể nhẫn mới luôn làm nên việc lớn, quả báo có gương mặt đẹp, được người khác tôn kính, yêu thích, tu tập mau thành tựu, bảo tồn được phước đức.

Hãy nhớ rằng, sân hận đốt cháy toàn bộ phước báu, nhẽ ra trong số mệnh bạn có thể thành công rực rỡ, nhưng vì sân hận bạn hoàn toàn có thể mất hết phước phần có thể có.

“Một đốm lửa sân có thể thiêu rụi cả rừng công đức”. Sân hận như ngọn lửa mình tự đốt mình và những người thân cận, gần gũi yêu thương quan tâm mình nhất. Một gia đình có người mẹ có tính cách ôn nhu, kham nhẫn, bao dung sẽ luôn có những đứa trẻ hạnh phúc!

Nguyện chúc cho tất cả chúng ta luôn được gia hộ trong ánh từ của chư Phật mười phương 🙏🏻🪷🙏🏻

Hành giả Amanda Na Nguyen



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét